|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vật lộn với bão giá nguyên liệu đầu vào

07:39 | 07/03/2022
Chia sẻ
Năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản có một năm thành công khi đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD. Song vừa bước sang năm 2022, ngành gỗ đã phải đối mặt với những khó khăn liên hoàn từ giá nguyên liệu, cước vận tải...

Vật giá leo thang, doanh nghiệp gánh thêm chi phí

Thông thường, cao điểm xuất khẩu gỗ sẽ vào tháng 4 – 5 hàng năm. Lẽ ra, thời điểm này các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị các đơn hàng, làm thủ tục để giao cho khách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gỗ vẫn đang chật vật vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm.

Ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước cho biết giá cước leo thang khiến doanh nghiệp chưa dám nhập thêm nguyên liệu.

Điều này có nghĩa nguồn cung cho một số doanh nghiệp gỗ trong nước sẽ bị gián đoạn 2-3 tháng và có thể xảy ra thiếu nguyên liệu cục bộ, đỉnh điểm vào tháng 3. Doanh nghiệp đã phải tăng giá sản phẩm để có thể duy trì hoạt động dù khách hàng có ở lại hay rời đi.

"Nếu khách hàng đồng ý với khung giá mới, chúng tôi sẽ nhập về và cung cấp. Trường hợp, khách hàng không đồng ý tăng giá, chuyển sang nhập loại gỗ khác, chúng tôi chấp nhận mất thị trường", ông Phước nói.

Vật giá leo thang, 'trăm dâu đổ đầu' doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trước mùa cao điểm - Ảnh 1.

(Nguồn: Forest Trends, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Hiện nay, nhiều nhà cung đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đó.

Một doanh nghiệp gỗ tại Quy Nhơn cho biết hiện giá gỗ nhập khẩu đang ở mức 215 USD/m3 đối với bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất mà công ty mua trước đó chỉ khoảng 172-175 USD/m3.

Tương tự, một doanh nghiệp khác cũng thông tin những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng giá đã lên tới 300 USD/m3, mức cao nhất trong lịch sử.

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho biết: "Gỗ nguyên liệu chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành các sản phẩm. Tuy nhiên, tỷ trọng này tăng đáng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra.

Nguyên nhân là nguồn cung gỗ ở Mỹ, châu Âu khan hiếm và giá cước vận chuyển cũng tăng 5-6 lần so với trước đại dịch, đẩy giá gỗ và cước vận chuyển lên một mặt bằng mới".

Sau khi xung đột Nga-Ukraine, giá dầu thế giới vượt ngưỡng 110 USD/thùng và có thể tiến tới 150 USD/thùng. Điều này có nghĩa giá cước vận tải, chi phí sản xuất sẽ tiếp tục tăng, đẩy doanh nghiệp vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Thông thường, các doanh nghiệp chỉ dự trữ gỗ trong khoảng 1-3 tháng để đảm bảo tài chính, vốn lưu động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá xăng dầu, nguyên liệu tăng sốc là kịch bản không thể lường trước, chi phí sản xuất cứ thế tăng cao, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trao đổi với người viết, ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết giá xăng dầu đang tác động đến đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Về bề nổi, người ta chỉ nhìn thấy giá xăng dầu ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng song ít ai thấy được xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Với mức giá gần 27.000 đồng/lít xăng đang vượt quá ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp, trong khi những vết thương kinh tế từ COVID-19 vẫn chưa hồi phục.

Vật giá leo thang, 'trăm dâu đổ đầu' doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trước mùa cao điểm - Ảnh 2.

Doanh nghiệp gỗ đang gồng gánh chi phí sản xuất. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

"Mùa cao điểm xuất khẩu sắp đến nhưng doanh nghiệp gỗ lại đang chết đứng vì giá xăng dầu, cước vận tải.

Đơn hàng dồn dập nhưng doanh nghiệp không dám ký dài hơi vì mọi thứ biến động quá nhanh, quá rủi ro. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của gỗ Việt trên thị trường quốc tế", ông Mạnh nói.

2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt kết quả khả quan với 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đại diện Sadaco cho rằng giá xăng dầu, cước vận tải đang kìm hãm đà tăng trưởng của ngành, Chính phủ cần sớm giảm thuế, bình ổn giá xăng dầu để chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp.

Rủi ro về nguồn gốc gỗ nguyên liệu

Giá cước vận tải, gỗ nguyên liệu chỉ là khó khăn trước mắt của doanh nghiệp gỗ. Còn về đường dài, ngành gỗ muốn phát triển bền vững cần quan tâm đến yếu tố nguồn gốc, xuất xứ gỗ nguyên liệu.

Ông Tô Xuân Phúc cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến ra các sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gỗ rủi ro từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 38% trong tổng lượng gỗ nhập khẩu.

Các quốc gia đứng đầu trong danh sách bao gồm Cameroon, Lào, Papua New Guinea (PNG), Nigeria và Angola. Lượng cung từ 5 quốc gia này chiếm tới 60% trong tổng lượng cung gỗ rủi ro vào Việt Nam trong năm.

Vật giá leo thang, 'trăm dâu đổ đầu' doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trước mùa cao điểm - Ảnh 3.

Việt Nam cần hạn chế nhập khẩu gỗ rủi ro để mở rộng thị trường. (Ảnh: VTV)

Gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là các loại gỗ tự nhiên, gỗ nhiệt đới có giá trị cao được sử dụng cho tiêu dùng nội địa như trong công trình xây dựng, bàn ghế, giường tủ, ván sàn...

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với các mặt hàng làm từ gỗ tự nhiên vẫn còn cao, nguồn gỗ này nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và phần nào làm giảm sức ép lên rừng tự nhiên Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu duy trì nguồn cung rủi ro này với lượng lớn như hiện nay sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới toàn ngành gỗ, đặc biệt ở khâu xuất khẩu.

Trước đó, năm 2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã cáo buộc Việt Nam nhập khẩu, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu bất hợp pháp là một minh chứng điển hình về tác động tiêu cực này.

Bên cạnh đó, các tổ chức môi trường quốc tế luôn quan tâm đặc biệt tới các nguồn cung rủi ro từ Campuchia, Lào và các quốc gia Châu Phi.

Đại diện Forest Trends cho rằng cần kiểm soát lượng gỗ rủi ro nhập khẩu để thực hiện các cam kết về gỗ hợp pháp trong Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) mà Chính phủ ký với EU 2018 và Hiệp định về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp mà Chính phủ vừa ký với Chính phủ Mỹ vào tháng 10/2021.

Điều này không chỉ giúp ngành gỗ giảm rủi ro trong khâu xuất khẩu mà còn góp phần mở rộng thị trường tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phạm Mơ

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.