Ngành gỗ đối mặt với rủi ro về gian lận xuất xứ
Theo "Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021" của nhóm nghiên cứu VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA, DOWA và tổ chức Forest Trend, năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 14,1 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm trước đó.
Trong đó, Mỹ giữ vững ngôi vị thị trường xuất khẩu số một của ngành gỗ Việt Nam, với kim ngạch đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.
Trong những năm gần đây, ngành gỗ luôn đạt mức tăng trưởng cao trung bình 13%/năm và luôn nằm trong TOP 6 mặt hàng/nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, theo nhóm thực hiện báo cáo, ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro về lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện đang tồn tại trong một số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Rủi ro được hình thành khi các mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam khi không đủ điều kiện để có được chứng nhận xuất xứ theo quy định của Việt Nam và sau đó được xuất khẩu vào Mỹ.
Tín hiệu rủi ro cũng bao gồm sự tăng trưởng mạnh trong cả đầu nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ về các mặt hàng này.
Vào đầu tháng 7 năm 2021, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra đối với mặt hàng tủ gỗ, bàn trang điểm và các bộ phận cấu thành của các mặt hàng này đối với tập đoàn BGI Group.
Cơ quan CBP nghi nghờ BGI đã lẩn tránh thuế thông quan việc nhập khẩu hàng hóa là tủ gỗ, bàn trang điểm và các bộ phận cấu thành của các mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam và gia công tại Công ty HOCA Việt Nam có nhà máy tại tỉnh Long An.
Ngày 27/1 vừa qua cơ quan CBP ban hành văn bản xác định có bằng chứng quan trọng cho thấy BGI lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) và CBP tiếp tục có các hành động trong thời gian tới.
Sự tăng trưởng nhanh của các mặt hàng đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở nước thứ ba đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến việc Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đó được xuất từ các cảng Việt Nam.
Năm 2021, xuất khẩu tủ bếp và bộ phận tủ bếp (HS 9403.40) của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng lần lượt ở mức 18,4% và 20,5% so với năm 2020.
Ngoài mặt hàng tủ bếp và các bộ phận của tủ bếp hiện đang bị điều tra, hai mặt hàng có một số tín hiện rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ là đồ gỗ dùng trong phòng bếp (HS 9403.40) và bộ phận đồ gỗ (HS 9403.90).
Còn đối với ghế bọc đệm (HS 9401.61), kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam vào Mỹ năm 2021 có mức tăng trưởng cao 31% so với năm 2020.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ Việt Nam năm 2021 vượt ngưỡng 2 tỷ USD, chiếm tới 62% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi (HS 9401).
Trước đó, bắt đầu từ 2021 đến nay Chính phủ Canada cũng đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá trên 101,5% (trừ 6 công ty có mức thuế riêng) đối với mặt hàng này.
Nhóm thực hiện báo cáo cáo cho rằng gỗ dán và tủ bếp, tủ nhà tắm là các nhóm hàng đang nhận được sự quan tâm lớn từ một số doanh nghiệp và Hiệp hội ngành gỗ Mỹ và chính Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP).
Để giảm rủi ro cho Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan Chính phủ của các quốc gia liên quan nhằm thực thi các chiến lược, giải pháp ngăn chặn hiệu quả.