|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường giao nhận: 'Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào'

21:41 | 02/08/2017
Chia sẻ
Nhiều tên tuổi trong thị trường giao nhận như VNPost, EMS, ViettelPost đang bị một số doanh nghiệp (DN) nhăm nhe chia thị phần, đó là giaohangso1.vn, tochanh.vn, giaohangnhanh.vn, ahaMove, Bagasus VN... Và thị trường này đã "tăng nhiệt" khi "ông lớn" DHL eCommerce xuất hiện. 

thi truong giao nhan chua biet meo nao can miu nao

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam dự kiến đạt 2,4 tỷ EUR vào năm 2020. CEL Consulting., LTD (công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng và điều hành sản xuất) cũng nhận định quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp 7 lần vào năm 2020. Các nhà bán lẻ trực tuyến rất cần các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao để mở rộng quy mô hoạt động.

Đích đến 10%

Một DN có nhiều kinh doanh giao nhận cho rằng, với một đô thị khoảng 8 triệu dân như TP.HCM, chỉ cần khai thác 10% nhu cầu vận chuyển hàng hóa cá nhân là đã có ăn. Và để khai thác được 10% nhu cầu vận chuyển đó, các DN đang đua nhau gỡ "nút thắt" về tốc độ giao hàng và dịch vụ.

Trong đó, dịch vụ giao hàng thu hộ tiền đang được chú ý nhất. Với lợi thế ứng dụng di động trong vận chuyển, mới đây, Grap Express của Công ty Grab Taxi cũng chớp cơ hội tại phân khúc giao nhận với giá 15.000 đồng cho 5km đầu trong nội thành, kèm dịch vụ thu tiền hộ miễn phí, thời gian giao hàng dưới một giờ. Ngay sau đó, Uber cũng tham gia với nhiều cách cạnh tranh cùng Grab.

Theo đại diện Grab Express (Công ty TNHH Grab taxi) điểm mạnh của dịch vụ này là khách có thể kiểm soát được lịch trình đi cũng như thông tin của người giao hàng. Dịch vụ này còn tận dụng được xe ôm, giờ rảnh của sinh viên. Trước đó, Ship S, AhaMove, Bagasus cũng đã đầu tư vào dịch vụ này với lợi thế giao hàng nhanh bằng xe hai bánh, chi phí cạnh tranh.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào dịch vụ giao hàng thu hộ tiền thì các DN giao nhận vẫn chưa chứng tỏ lợi thế khác biệt cũng như thế mạnh cạnh tranh. Vấn đề là làm thế nào để cùng lúc giải được nhiều bài toán trong hệ sinh thái TMĐT như kho bãi, hậu cần, bán hàng, bảo hành mới là hướng đi lâu dài mà các DN cần làm.

Vì vậy, dù dự kiến đến năm 2018 mới cắt lỗ, nhưng Giao hàng nhanh vẫn đầu tư ba kho hàng tập trung (diện tích từ 1.600 - 1.700m2 ), 100 kho hàng trải ở nhiều tỉnh - thành, mỗi kho từ 60 - 70m2 đang được DN này đầu tư.

Ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Express Vietnam chia sẻ: "Trong giao nhận, phần thắng sẽ thuộc về những DN đầu tư chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh". Trong đó, đầu tư về con người, hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng quyết định sự cạnh tranh.

Theo ông Thịnh: "Hậu cần cho TMĐT là lĩnh vực mới nên đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo, vì vậy, Lazada Express đã đầu tư nhiều phương tiện giao hàng phù hợp, đầu tư hệ thống chia chọn hàng hóa tự động".

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn - Giám đốc điều hành Tiki.vn, cái khó của TMĐT là công nghệ, kho bãi, nhân sự có kinh nghiệm. Vì vậy, chỉ có các công ty nào làm tốt các "mảng ghép" này mới đủ sức tăng trưởng. Trong năm 2017, Tiki sẽ giải quyết một thách thức khá lớn là vận chuyển. Giao hàng càng nhanh thì chi phí càng cao.

Vậy, làm sao để việc giao hàng vừa nhanh nhất mà chi phí hợp lý nhất. Để giải được bài toán này, Tiki đang nỗ lực về mặt công nghệ để có những thuật toán giúp dự báo chính xác nhu cầu khách hàng cần gì, bao nhiêu, và ở đâu. Từ đó hàng hóa được ở đúng vị trí kho bãi và khách hàng chỉ cần đặt là có ngay.

Tiki đầu tư và đưa vào sử dụng hai kho lớn tại TP.HCM và Hà Nội để đảm bảo hàng hóa đều qua kiểm định và có nguồn gốc chính hãng, giao cho khách nhanh nhất.

Thách thức từ "ông lớn"

Nếu cho rằng thế mạnh cạnh tranh của các DN giao nhận là hệ sinh thái TMĐT thì DHL eCommerce, dù đến sau nhưng lại có rất nhiều lợi thế. Chọn kinh doanh vào thời điểm này, ông Thomas Harris - Giám đốc điều hành DHL eCommerce Việt Nam cho rằng có nhiều lợi thế khi đã có thời gian nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị đầy đủ năng lực để đáp ứng đúng nhu cầu là giao hàng nhanh và nhận tiền khi giao hàng. Một khi bị trả hàng và hoàn tiền cũng gây khá nhiều khó khăn trong TMĐT.

Vì vậy, DHL eCommerce đã đưa ra dịch vụ vận chuyển được thiết kế phù hợp với các DN kinh doanh trực tuyến trong thời gian nhanh nhất và dịch vụ thu tiền hộ khi giao hàng vào ngày hôm sau cũng như xử lý nhanh vấn đề trả hàng. Đặc biệt, khách hàng có thể theo dõi từ đầu đến cuối lộ trình giao hàng và trả hàng. Trước đó vài tháng, khi gia nhập thị trường, DHL đã đầu tư hai trung tâm giao nhận tại TP.HCM và Hà Nội cùng 9 nhà kho, đào tạo 300 nhân viên vận chuyển bằng xe máy.

Thế mạnh của DHL eCommerce còn là uy tín, kinh nghiệm của công ty mẹ DHL có mạng lưới phát chuyển nhanh toàn cầu với đội xe tải, máy bay đông đảo cùng thế mạnh kết hợp cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy nên thời gian giao hàng chỉ trong khoảng một vài ngày ở các thành phố cấp một và khoảng 3 đến 7 ngày đối với các thành phố cấp hai.

Ông Malcolm Monteiro - Giám đốc điều hành DHL eCommerce Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: "Dịch vụ giao hàng xuyên biên giới cũng chính là thế mạnh của DHL, nên sắp tới, Tập đoàn sẽ đưa ra dịch vụ giao hàng trọn gói xuyên biên giới".

Lợi thế cạnh tranh của một công ty giao nhận ngoài hệ sinh thái TMĐT còn là dịch vụ thông qua nhân viên giao hàng. Ông Charles Brewer - CEO của DHL eCommerce cho rằng, hiện nay, cái khó nhất của thị trường giao nhận TMĐT không chỉ là nhanh mà còn phải kiểm soát được dịch vụ. Yếu tố này lệ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân viên. Vì vậy, một trong những chiến lược của DHL eCommerce là tập trung đào tạo đội ngũ giao nhận chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân viên xuất sắc, dịch vụ khác biệt".

Tuy nhiên, vẫn chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào". Với dịch vụ vận chuyển B2C, hiện DHL mới chỉ đảm đương một phần tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một vài thành phố khác. Những địa bàn còn lại, DHL đang phụ thuộc vào các đối tác. Và đây chính là lợi thế của VNPost và Viettel Post khi VN Post có mạng lưới 8.000 bưu điện văn hóa xã và Vieettel có mạng lưới 713/713 quận, huyện với đội ngũ giao nhận khoảng 4.000 người.

Lữ Ý Nhi