|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đẩy mạnh thương mại điện tử trong ngành bán lẻ

21:38 | 08/01/2017
Chia sẻ
Hiện nay, doanh thu thương mại điện tử trong ngành bán lẻ mới chỉ chiếm 2,8% trong tổng doanh thu của toàn ngành bán lẻ của Việt Nam. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực để đẩy con số này lên 5% vào năm 2020.

Hiện nay, doanh thu thương mại điện tử trong ngành bán lẻ mới chỉ chiếm 2,8% trong tổng doanh thu của toàn ngành bán lẻ của Việt Nam. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực để đẩy con số này lên 5% vào năm 2020.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ trong nước trung bình 10 năm qua là hơn 10% mỗi năm; tỷ trọng doanh thu từ phương thức bán lẻ truyền thống là 80%, bán lẻ hiện đại 20%, trong đó thương mại điện tử mới chỉ chiếm 2,8%, còn khiêm tốn so với mức bình quân 12% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

day manh thuong mai dien tu trong nganh ban le
Ảnh minh họa

Tạo sự thuận tiện, giảm chi phí

Chị Hiên, nhân viên một công ty công nghệ sống ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết chị thích mua hàng qua mạng vì quỹ thời gian eo hẹp và phương thức mua bán này thực sự mang tính tiện ích. Thường xuyên thay đổi điện thoại di động nên là khách hàng quen thuộc của các trang bán hàng của Viettel, Thế Giới Di Động, FPT Shop... nhưng chị Hiên chỉ đơn thuần đặt hàng mà không bao giờ thanh toán trực tuyến. Giống như phần lớn người mua hàng trực tuyến khác, chị Hiên chọn hình thức trả tiền khi nhận hàng (Cash On Delivery – COD) để yên tâm bởi tâm lý e ngại bị đánh cắp dữ liệu tài khoản trên mạng.

Ngay sau khi nhận được đơn đặt hàng của chị Hiên, nhân viên bán hàng của các cửa hàng thường gọi điện thoại cho chị để hỏi xem khách có cần dán màn hình hay mua thêm vỏ ốp lưng, các phụ kiện khác cho máy hay không… và giao hàng theo đúng lịch hẹn. Như vậy, chị Hiên luôn mua được điện thoại mới mà không cần phải đi khỏi nhà, được phục vụ tận nơi với giá tiền không thay đổi so với giá mua tại cửa hàng.

Tương tự, chị Thúy sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, cũng khoe rằng vừa mua một chiếc tủ lạnh Hitachi qua mạng. Chị dành một buổi chiều ngày cuối tuần để “lang thang” trên các trang web của các nhà bán lẻ hàng điện máy như Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh, Pico, Trần Anh... và cuối cùng chọn siêu thị điện máy Media Mart vì thấy có mức giá bán phù hợp với ngân sách của chị nhất. Khác với chị Hiên, chị Thúy chọn hình thức thanh toán trực tuyến bởi Media Mart đang áp dụng chương trình giảm giá 10% cho chủ thẻ Agribank.

Cả chị Hiên và chị Thúy đều có cùng quan điểm rằng kênh bán hàng trực tuyến không chỉ tạo sự tiện ích cho người mua hàng mà còn giúp thu hút thêm khách hàng cho các nhà bán lẻ, thông qua việc “chiêu dụ” các vị khách hay lang thang trên mạng như hai chị.

Trong khi đó, chị Nga, chủ một cửa hàng thời trang trên phố Thành Công, Hà Nội, vào đầu năm nay đã phải đóng cửa gian hàng sau gần 10 năm kinh doanh và chọn cách thức bán hàng tại nhà và trên trang fanpage của mạng xã hội Facebook. Chính sức ép cạnh tranh trên thị trường, những khó khăn chung của nền kinh tế cùng sự leo thang của chi phí (mặt bằng, nhân công…) đã khiến cửa hàng của chị Nga không thể tiếp tục đứng vững. Chọn lựa một hình thức kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, chị Nga cảm thấy không phải chịu nhiều áp lực về chi phí như trước đây, nguồn thu vẫn bảo đảm cho cuộc sống của gia đình. Thế nhưng, chị Nga đang tự đặt ra mục tiêu tích lũy đủ nguồn vốn để thuê một địa điểm mới vào đầu năm 2017, vừa kinh doanh theo kiểu truyền thống (offline) vừa bán hàng trực tuyến (online). Theo chị, hai kênh bán hàng này sẽ liêu tục bổ trợ cho nhau.

Câu chuyện của chị Nga là một trong hàng ngàn trường hợp đang diễn ra trong thực tế ở các khu đô thị lớn của Việt Nam, nơi mà các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể đang linh hoạt xoay sở với phương thức bán hàng đa kênh.

Xu thế tất yếu của nền kinh tế

Bán hàng đa kênh, kết hợp kênh truyền thống và kênh trực tuyến đã trở thành xu thế tất yếu ở Việt Nam. Xu thế này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới để mục tiêu 10 tỉ đô la qua thương mại điện tử sẽ đạt được vào năm 2020. Đây cũng là lời khẳng định của bà Hồ Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam 2016 với chủ đề “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức vào ngày 8-12 vừa qua tại Hà Nội.

Bà Thoa cho biết, sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) năm 2015 đã thu hút sự tham gia của 2.000 doanh nghiệp, một năm sau đó, con số tăng lên 3.000. Rõ ràng, số doanh nghiệp tham gia bán hàng trực tuyến tại Online Friday 2016 đã tăng lên đến 50%, song con số 3.000 vẫn là quá nhỏ so với tổng số 600.000 doanh nghiệp ở Việt Nam. “Hiện số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử vẫn chưa nhiều. Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển trong thời gian tới,” bà Thoa nói.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nói rằng ngành thương mại điện tử của Việt Nam đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua nhưng quy mô thị trường không lớn, quy mô giao dịch nhỏ. Tốc độ tăng trưởng nhanh, hơn 20% mỗi năm, nhưng xuất phát điểm lại thấp. Doanh số bán hàng tại Online Friday 2016 tăng gấp đôi năm trước nhưng vẫn còn là quá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Ông chia sẻ nỗi băn khoăn của cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành là làm sao để thương mại điện tử của Việt Nam phát triển nhanh với quy mô lớn và mang tính bền vững.

Về những giải pháp cơ bản, theo ông Hưng, các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa và tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến vào trang web bán hàng...

Được biết, Diễn đàn bán lẻ Việt Nam là sự kiện được tổ chức thường niên từ hàng chục năm nay. Nhưng đây là năm đầu tiên ban tổ chức lấy chủ đề về thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ tham gia mạnh mẽ vào hoạt động này.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nói các nhà bán lẻ phải luôn hiểu rằng mình đang sống trong thời đại Internet và trong xu hướng di động hóa. Những xu hướng công nghệ đang làm biến đổi ngành bán lẻ và tác động đến cuộc sống của người mua hàng. Với số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng lên, xu hướng mua bán qua mạng và đặc biệt qua điện thoại di động sẽ ngày càng phổ biến ở Việt Nam... Chính vì điều này, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh bán hàng, tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến vào hoạt động bán lẻ trực tuyến. “Những nỗ lực này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng cũng như bắt kịp với xu hướng của thế giới,” bà Loan kêu gọi các nhà bán lẻ.

Theo Bộ Công Thương, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, đơn vị trực thuộc bộ phụ trách lĩnh vực này là Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục kết hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử và các đơn vị có liên quan khác tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn về ngành này tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Không chỉ kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng thương mại điện tử vào trong hoạt động quản trị, điều hành và kinh doanh, các cơ quan này còn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực thanh toán điện tử, chuyển phát, tiếp thị trực tuyến...

Ấn Độ trợ giá cho các giao dịch điện tử

Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trợ giá cho các giao dịch điện tử sau khi Chính phủ nước này công bố một loạt biện pháp như giảm giá bán các dịch vụ bảo hiểm, du lịch, vận tải… mua qua mạng.

Đúng 30 ngày sau lệnh cấm sử dụng tiền mệnh giá lớn 500 rupee và 1.000 rupee, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tìm cách thu hút người dân nước này đến với hoạt động thanh toán điện tử với mức giảm tối đa là 10% khi mua bảo hiểm, vé tàu hỏa và tàu cao tốc. Chính phủ cũng bỏ thuế đánh trên các giao dịch qua mạng có giá trị dưới 2.000 rupee.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang muốn giảm sự lệ thuộc vào tiền mặt trong cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt. Sanjay Swamy, đối tác quản lý tại quỹ đầu tư mạo hiểm Prime Venture Partners, cho biết ông chưa từng chứng kiến điều nào tương tự trong 10 năm theo dõi hoạt động thanh toán điện tử trên toàn cầu. “Bằng cách làm cho các hàng hóa, dịch vụ mua trực tuyến rẻ hơn mua bằng tiền mặt, Ấn Độ đã tuyên bố rằng tiền mặt là hoàng hậu còn tiền điện tử là vua”.

Trong khi các nước từ Mỹ tới Thụy Điển, Singapore dẫn đầu về nỗ lực thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử, biện pháp khuyến khích người tiêu dùng sử dụng kênh thanh toán trực tuyến thường xuất phát từ doanh nghiệp hơn là từ chính phủ.

Vốn là kẻ đi sau trong giao dịch qua mạng, Ấn Độ gần đây chứng kiến mức tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm 2015, theo cuộc nghiên cứu của Google và tập đoàn tư vấn Boston. Mức tăng trưởng này có thể còn tăng mạnh hơn với sự tham gia của các ví điện tử như Paytm, MobiKwik và Freecharge.

Các biện pháp mới của Chính phủ sẽ giúp hàng triệu người Ấn Độ quen với hoạt động thanh toán điện tử, ban đầu tập trung vào các dịch vụ quốc doanh nhằm xây dựng lòng tin trước khi chuyển sang các giao dịch mang tính thông dụng.

Anh Minh (Reuters)

Vân Ly