|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường F&B Đông Nam Á: Người dùng dần thay đổi xu hướng, chuyển sang sử dụng sản phẩm rượu, bia không cồn

07:24 | 28/06/2022
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 vô tình trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy người dân ở khu vực Đông Nam Á chuyển sang sử dụng các loại đồ uống không cồn hoặc ít cồn.

Từ Thái Lan đến Philippines, ngày càng nhiều người dân trên khắp khu vực Đông Nam Á chuyển sang sử dụng đồ uống có nồng độ cồn thấp hơn, hay thậm chí là phiên bản không chứa cồn của đồ uống yêu thích của họ để thể tránh bị đau đầu hoặc những tác hại do sử dụng rượu, bia quá mức, theo Asia Nikkei.

Suntory Holdings vừa qua đã bắt đầu sản xuất sản phẩm cocktail đóng hộp có tên Horoyoi tại Thái Lan thông qua doanh nghiệp địa phương Thai Spirit Industry. Thức uống này cũng phổ biến ở Nhật Bản, và chỉ chứa 3% cồn.

Suntory Holdings trước đây đã nhập khẩu đồ uống từ Nhật Bản. Ban đầu, công ty có kế hoạch sản xuất 10.000 thùng ở Thái Lan, với hương vị nho và đào. Makoto Kitaura, Giám đốc marketing tại Suntory Spirits cho biết: “Mỗi người có một khẩu vị riêng, vì vậy việc bản địa hóa là điều vô cùng quan trọng”.

Suntory cũng sản xuất Horoyoi ở Australia. Công ty Nhật Bản hy vọng sẽ tăng tốc độ phát triển của đồ uống và hương vị mới bằng cách sản xuất chúng ở nơi chúng được bán, để có thể điều hướng tốt hơn các chu kỳ sản phẩm nổi tiếng ngắn hạn của ngành đồ uống sẵn có.

Thị trường rượu pha sẵn của Thái Lan, hiện đang chiếm ưu thế bởi các tủ ướp lạnh rượu, sẽ tăng trưởng hơn 20% trong giai đoạn 2021-2026, đạt doanh số 8,53 triệu thùng, theo dự đoán của công ty IWSR có trụ sở tại Anh.

Tại Việt Nam, Sapporo Breweries đã bắt đầu bán phiên bản Premium Beer có nồng độ cồn thấp hơn vào tháng trước. Sapporo Premium Beer 100 chứa 3,5% cồn, ít hơn 1,5 điểm phần trăm so với nguyên bản. Sản phẩm này được làm từ 100% mạch nha và có giá cao hơn gần 20%, ở mức 19.900 đồng cho mỗi lon có dung tích 330 ml.

Đồ uống có nồng độ cồn thấp đang thu hút nhiều sự quan tâm hơn ở Việt Nam, quốc gia tiêu thụ bia lớn nhất khu vực Đông Nam Á. "Tôi cố gắng uống bia có nồng độ cồn thấp hơn nếu ngày hôm sau có công việc quan trọng cũng như để giữ sức khỏe cho bản thân", anh Nguyễn Mạnh Hoàng ở Hà Nội cho biết.

Việt Nam là thị trường tiêu thị bia nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Reuters).

Sản phẩm Heineken 0.0% độ cồn đã lên kệ tại các cửa hàng ở Việt Nam vào năm 2020. Các công ty trong nước như Tổng công ty Bia ‑ Rượu ‑ Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cũng đang thâm nhập vào ngách này. Đại diện một siêu thị lớn ở Hà Nội cho biết: “Bia không cồn rất được ưa chuộng và hiện tại chúng tôi đã bán hết hàng của Heineken”.

Đồ uống có nồng độ cồn thấp cũng đang chiếm được vị thế ở Philippines. Nhà máy bia San Miguel, nhà sản xuất bia lớn nhất đất nước, hiện đang bán các loại bia có hương vị trái cây và bia cứng không đường có độ cồn từ 3% đến 5%, cũng như bia San Miguel 0.0% độ cồn.

Cơ hội cho các sản phẩm rượu, bia không cồn

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại đồ uống như vậy bắt nguồn từ việc đa dạng hóa thị hiếu ở Đông Nam Á, khi tăng trưởng kinh tế và thu nhập tăng cao đã thúc đẩy người tiêu dùng phân nhánh từ bia sang rượu vang, cocktail và các loại đồ uống khác.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến sức khỏe. Một cuộc khảo sát năm 2022 của Euromonitor International cho thấy tỷ lệ người thuộc thế hệ Baby Boomers (những người sinh từ năm 1946 đến 1964) sử dụng rượu, bia mỗi ngày là 12,2%. Trong khi đó, tỷ lệ tương tự của những người thuộc thế hệ Milennials (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) chỉ là 6,3%.

Mặc dù có triển vọng tươi sáng, thị trường đồ uống không cồn và ít cồn của Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế liên quan đến đại dịch. Theo Euromonitor, doanh số bán hàng tại 8 quốc gia chính của khu vực đạt 24.800 kilolit vào năm 2021, giảm 11% so với năm 2019.

Một quan chức của một công ty Nhật Bản cho biết: “Mọi người thường dùng bữa ở ngoài trời tại khu vực Đông Nam Á, vì vậy nhu cầu uống rượu tại nhà không mạnh như ở Nhật Bản. Với việc mọi người ít đi ăn bên ngoài hơn trong bối cảnh đại dịch bùng phát, cơ hội để mua đồ uống không hoặc ít cồn đã giảm xuống".

Các quy định nghiêm ngặt hơn làm tăng thêm sự không chắc chắn về khả năng phục hồi hoàn toàn thu nhập tại các công ty rượu. Ví dụ, Việt Nam đã đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi lái xe trong tình trạng say rượu từ tháng 1/2020.

Ngành công nghiệp rượu cũng phải đối mặt với việc các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Những người ở Châu Á, đặc biệt chú ý đến ESG. Một cuộc thăm dò của The Economist cho thấy khoảng 70% các nhà đầu tư trẻ ở Singapore và Trung Quốc nhấn mạnh đến ESG, cao hơn nhiều so với con số khoảng 40% so với các đối tác của họ ở Mỹ, Canada và Anh.

 

Các lựa chọn đồ uống không cồn cũng là chìa khóa để các công ty đồ uống mở rộng dấu ấn của mình. Tuy nhiên, các sản phẩm có nồng độ cồn thấp không phải là "viên đạn bạc". Những sản phẩm này vẫn có khả năng bị đổ lỗi trong việc hạ thấp rào cả với việc sử dụng rượu, bia.

Quốc Anh