|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường đồn đoán Nhật Bản lại can thiệp ngoại hối khi đồng yen mạnh nhất trong gần một tháng

13:52 | 12/07/2024
Chia sẻ
Đồng yên tăng hơn 2% so với USD sau khi Mỹ tiết lộ chỉ số CPI tăng thấp hơn dự kiến. Thị trường cho rằng Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ.

Theo Bloomberg, khoảng vài phút sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, đồng yen (JPY) đã tăng lên mức cao là 157,44 JPY đổi 1 USD. Khối lượng giao dịch cũng cao đột biến, tương tự như những đợt can thiệp trong quá khứ của chính quyền Nhật Bản.

Đến sáng ngày 12/7, tỷ giá USD/JPY đã về mức 159,3. Trong nước, tỷ giá JPY/VND tại đa số các ngân hàng đều có xu hướng nhích lên (đồng nghĩa JPY mạnh lên so với VND). 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda trả lời các phóng viên tại Tokyo rằng ông không thể xác nhận diễn biến trên có phải là hành động can thiệp hay không. Vị này tiết lộ chính phủ Nhật Bản sẽ công khai vào cuối tháng này nếu thực sự đã can thiệp vào thị trường.

Ông Kanda đã khiến thị trường phải suy đoán khi cho hay: “Về cơ bản, cách làm của chúng tôi là không thông báo về việc có can thiệp hay không. Một số người có thể cho rằng diễn biến này là phản ứng với kết quả CPI, một số lại nói rằng có các yếu tố khác”.

Ông Yusuke Miyairi, chiến lược gia tiền tệ tại Nomura International, cho biết việc Thứ trưởng Kanda phát biểu trước giới truyền thông vào buổi tối muộn ở Tokyo là “rất đáng chú ý”.

 

Ông Takafumi Onodera, người phụ trách bán hàng và giao dịch tại Mitsubishi UFJ, nhận định: “Chúng tôi nhận thấy JPY có biến động lớn. Sự trùng hợp về mặt thời gian với báo cáo CPI của Mỹ dường như cho thấy Nhật Bản đã can thiệp thị trường”.

TV Asahi, một kênh truyền hình Nhật Bản, đưa tin các quan chức đã can thiệp vào thị trường tiền tệ. Nhật báo Mainichi Shimbun cũng đưa tin về sự can thiệp, dẫn lời một quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên. Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ Megan Apper từ chối bình luận.

JPY đã giảm sâu trong năm 2024, trở thành đồng tiền có kết quả kém nhất trong nhóm G10. Từ đầu năm đến nay, JPY đã tụt hơn 12% so với USD. Đồng tiền này cũng đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986 vào tuần trước, khiến chính quyền Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. 

Mức tăng đột biến hôm 11/7 có những nét tương đồng với động thái can thiệp vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2024, khi Bộ Tài chính Nhật Bản mua vào 9.800 tỷ yen. Ngày 11/7 cũng đánh dấu mức tăng giá cao nhất của JPY kể từ tháng 5. 

Theo các nhà giao dịch giấu tên, khối lượng giao dịch đã tăng đột biến sau khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố, tương tự quy mô của những đợt can thiệp vào đầu năm nay. Bà Jane Foley, chiến lược gia tiền tệ tại Rabobank, nhận định: “Quy mô lần này cho thấy đây có thể là một sự can thiệp”. 

“Nếu đó thực sự là động thái can thiệp thì thời điểm là hoàn hảo để tạo ra tác động tối đa”, ông Sebastian Boyd, chiến lược gia của Bloomberg, nhận định.

Bà Leah Traub, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Lord Abbett & Co, cho rằng JPY khó có thể duy trì sức mạnh nếu không có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và Nhật Bản. Hiện chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật Bản và Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với trung bình dài hạn. 

Minh Quang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.