Thị trường địa ốc TP HCM luôn dẫn trước Hà Nội 2 - 3 năm
Tại hội thảo Cơ hội dành cho nhà đầu tư cá nhân do CBRE tổ chức mới đây tại TP HCM, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam thông tin, xu hướng nhà đầu tư (NĐT) phía Bắc đang Nam tiến ngày càng nhiều hơn.
Ông Kiệt cho biết, các chủ đầu tư phía Bắc sẽ Nam tiến ngày càng nhiều để tận dụng nhịp của thị trường. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội, đại diện CBRE nhận định, từ khía cạnh của người bán hàng có thể thấy, thị trường phía Nam có chính sách chung và nhiều yếu tố thu hút NĐT hơn. Yếu tố được các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài, đánh giá cao nhất là tiềm năng tăng giá của sản phẩm địa ốc, đây là điểm đầu tiên khiến họ cân nhắc khi chọn mua BĐS. Hầu như các NĐT này không có ý định mua nhà để ở, mà họ muốn tìm hiểu khu vực nào có động lực tăng giá tốt nhất để bán và cho thuê.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nói: “Hiện khu Đông TP HCM đang là một trong những khu vực có tiềm năng tăng giá tốt nhất nhờ có động lực từ sự phát triển của cơ sở hạ tầng, kéo theo cơ hội kinh doanh cho NĐT. Vì vậy, các chủ đầu tư phía Bắc sẽ linh động hơn, họ dần Nam tiến để tận dụng nhịp của thị trường, bởi ở phía Bắc, ngoài giá bán, họ phải đối mặt với việc làm sao tìm được quỹ đất…”.
Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam khẳng định, thị trường Hà Nội chưa bao giờ đuổi kịp thị trường TP HCM ở phân khúc nhà ở bán, lúc nào thị trường Hà Nội cũng có độ trễ và đi sau TP HCM khoảng 2 - 3 năm. Khi những dự án căn hộ cao cấp xuất hiện lần đầu tại TP HCM trong khoảng năm 2005 - 2006 thì khoảng ba năm nữa sẽ xuất hiện tại thị trường Hà Nội.
“Cùng một dự án có chất lượng, vị trí tương tự nhau nhưng căn hộ tại Hà Nội thường có giá bán cao hơn so với tại TP HCM. Nguyên nhân là bởi giá đất của Hà Nội cao hơn; trong khi đó nguồn cung dự án tại Hà Nội không có nhiều nên chủ đầu tư cũng ít phải chịu sự cạnh tranh, họ có lợi thế trong việc đặt mức giá cao hơn…”, bà Dương Thùy Dung phân tích.
Theo bà Dung, thị trường BĐS Hà Nội chưa bao giờ đuổi kịp thị trường TP HCM ở phân khúc nhà ở bán, lúc nào thị trường Hà Nội cũng có độ trễ và đi sau TP HCM khoảng 2 - 3 năm. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Giải thích về việc số lượng NĐT phía Bắc ngày càng Nam tiến nhiều hơn, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam giải thích, với người mua để ở thì cả hai thị trường Hà Nội và TP HCM đều có nhu cầu như nhau.
Tuy nhiên, đối với các NĐT cá nhân, thị trường TP HCM có tiềm năng hơn thị trường Hà Nội rất nhiều. Bởi nếu nhìn vào việc NĐT cá nhân đầu tư để cho thuê thì tỷ suất lợi nhuận cho thuê thì ở TP HCM đạt mức khá là 6 – 7%/năm, vì giá bán BĐS không quá cao, trong khi nhu cầu muốn thuê nhà tại đây rất lớn do lượng người nước ngoài sống và làm việc tại phía Nam cao hơn rất nhiều so với phía Bắc.
“Nhìn thẳng thắn, chất lượng sản phẩm nhà ở của TP HCM với sự tham gia của các chủ đầu tư nước ngoài, cùng với sự chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa sản phẩm của các chủ đầu tư trong nước, nên chất lượng BĐS nhà ở của thị trường TP HCM hiện tại đang rất tốt. Chúng tôi tin rằng 2 - 3 năm nữa thị trường Hà Nội cũng tốt như vậy thôi. NĐT đương nhiên phải tìm đến những nơi “đất lành chim đậu” nên các NĐT phía Bắc, với nguồn tài chính dồi dào, đương nhiên sẽ mang tiền đến đầu tư ở nơi có tiềm năng hơn”, bà Dung đánh giá.
Xem thêm |