Trong 1 năm, thị trường BĐS Hà Nội tăng bằng cả thế kỷ 20
Nguồn: Tiền Phong |
Sáng 30/11, Hội Kiến trúc sư (KTS) Hà Nội tổ chức tọa đàm “Xây dựng nông thôn mới Hà Nội với những vấn đề của bảo tồn văn hóa”.
Tại tọa đàm, các ý kiến tại tọa đàm tập trung nhìn nhận, phân tích những vấn đề trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội hiện nay như sự thay đổi không gian văn hóa, kiến trúc làng, xã so với trước đây; di sản văn hóa vật thể, phi vật thể còn lại và công tác bảo tồn chúng ở các vùng nông thôn...
Theo các đại biểu, những vấn đề trên cần được tiếp cận, khảo sát một cách có hệ thống và khoa học, nhằm lọc ra những gì cần bảo tồn, tôn tạo; những gì cần cải tạo và nâng cao; những gì cần xây dựng mới cho toàn bộ văn hóa nông thôn mới.
Đối với sự phát triển của các dự án đô thị, KTS Trần Huy Ánh cho biết, trong 10 năm qua (2008-2018) trong bản đồ quy hoạch chung có cả ngàn dự án BĐS. Nếu các dự án này hoàn thành thì có thể đáp ứng được chỗ ở cho 50 triệu dân .
Tính đến tháng 8/2018, Hà Nội mới thực hiện 573 dự án khu đô thị (hầu hết là dự án BĐS) đã cung cấp cho thị trường hàng chục triệu m2 sàn nhà ở. Trong suốt 100 năm đô thị hóa (1900-2000) Hà Nội có 12 triệu m2 thì đến 2014, tổng diện tích đã tăng 10 lần (118 triệu m2).
Đặc biệt năm 2017 thị trường có thêm 11 triệu m2 sàn nhà ở, bằng tổng số xây dựng nhà ở trong cả thế kỷ 20. Sau 10 năm mở rộng, Hà Nội với thị trường BĐS thành công rực rỡ. Nhưng phải đối diện với nước ngập tắc đường triền miên, ô nhiễm rác thải, nước thải, khí thải…chưa có giải pháp căn bản.
Dự án thoát nước nội thành Hà Nội giai đoạn 1, 2 đã đầu tư 0,55 tỷ USD, các nhà máy xử lý nước thải cũng gần 1 tỷ USD. Thế nhưng, giải pháp xử lý nước thải vẫn bế tắc, chưa đáp ứng được với sự phát triển nóng của BĐS, Hà Nội cứ mưa to là ngập, tràn lan nước thải ô nhiễm.
Chất lượng quy hoạch thấp, dẫn đến phải điều chỉnh
Trong sáng cùng ngày, tại UBND huyện Mê Linh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về quy hoạch kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018.
Ngoài các kết quả đạt được, Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhìn nhận công tác quy hoạch - kiến trúc trong năm 2018 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số nội dung, nhiệm vụ còn thực hiện kéo dài; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông (các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị…); cao độ tại các đường và khu ở chưa đấu nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực xung quanh dẫn đến ùn tắc, quá tải, gây bức xúc trong dư luận…
Việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan mất nhiều thời gian hoặc phải chờ các quy hoạch liên quan để khớp nối; c
ông tác thanh tra, giám sát chủ đầu tư đối với việc xây dựng, thi công công trình đúng quy hoạch, thiết kế được duyệt còn hạn chế, dẫn đến có những vi phạm tại vị trí tầng hầm hoặc vị trí quan trọng của kết cấu công trình dẫn đến rất khó xử lý phá dỡ…