Thị trường dầu xoay trong vòng xoáy trừng phạt
Giá dầu thế giới biến động trong bối cảnh Mỹ trừng phạt Iran. Ảnh: EPA |
Việc Mỹ chính thức "tung đòn" mạnh tay nhất từ trước đến nay nhằm vào lĩnh vực đóng tàu, vận tải, ngân hàng và đặc biệt là xuất khẩu năng lượng của Iran cùng lúc báo hiệu thời kỳ đầy biến động đang đón đợi các nhà sản xuất và nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới.
Cú "đòn hiểm" này của Washington chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đối với nguồn cung "vàng đen" của thế giới khi Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trái với nhận định của nhiều chuyên gia về khả năng gói trừng phạt mới này có thể đẩy giá dầu leo thang như thời điểm chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đi đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt hồi năm 2011 và 2012 nhằm buộc Tehran bước vào bàn đàm phán hạt nhân, thị trường dầu mỏ thế giới phản ứng khá dè dặt, thậm chí tiếp tục "lao dốc" trong phiên giao dịch ngày 5/11, xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua.
Giá dầu thô Brent Biển Bắc giao trong tháng 12 chốt phiên đã giảm 0,34 USD so với cuối phiên trước đó xuống còn 73,17 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng thời điểm cũng giảm nhẹ xuống còn 63,1 USD/thùng.
Như vậy, trong chưa đầy 1 tháng, giá dầu thế giới đã giảm gần 15 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Việc thị trường dầu mỏ thế giới phản ứng một cách khá "nhẹ nhàng" trước đòn trừng phạt của Mỹ, được cho là do quyết định tạm miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Iran đối với một số khách hàng chính của quốc gia Hồi giáo này.
Dù tỏ ra khá cứng rắn trong việc siết chặt "gọng kìm" đối với kinh tế Iran, song bản thân Tổng thống Donald Trump lại quan ngại khả năng gây sốc đối với thị trường năng lượng thế giới, kéo theo giá dầu mỏ leo thang.
Chính vì vậy, ông không ngần ngại bày tỏ mong muốn áp đặt dần dần các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ, đồng thời quyết định miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Iran trong vòng 180 ngày đối với 8 nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan (Trung Quốc).
Nhà phân tích dầu mỏ và là thành viên Hội đồng Đại Tây Dương Ellen Wald cho rằng việc 8 nền kinh tế được miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran có thể giúp "hạ nhiệt" yêu cầu tăng giá dầu.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng hy vọng động thái này sẽ giúp các nước xuất khẩu dầu như Saudi Arabia và Kuwait tăng sản lượng vào năm sau, trong khi các nhà nhập khẩu dầu ở châu Âu hay châu Á có đủ thời gian để tìm đối tác mới.
Trên thực tế, Mỹ đã thông báo kế hoạch tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran từ vài tháng trước, nên thị trường năng lượng thế giới đã có sự chuẩn bị đối phó.
Bất chấp sự sụt giảm ở Venezuela và Iran, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng dầu lên mức cao nhất trong 2 năm qua. Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC, trong đó có Nga, Mỹ đều tăng sản lượng trong năm nay lên mức kỷ lục hơn 11,3 triệu thùng/ngày.
Về phần mình, Iran không ngại ngần trấn an dư luận, với tuyên bố của Tổng thống Hassan Rouhani rằng nước này sẽ vẫn duy trì hoạt động buôn bán dầu mỏ cũng như phá vỡ các lệnh trừng phạt "bất hợp pháp và bất công" mà Mỹ tái áp đặt.
Để có thể hiện thực hóa tuyên bố cũng như khẳng định vị thế quan trọng của mình trên thị trường “vàng đen”, Tehran hiện đang tranh thủ sự ủng hộ của các nước, đặc biệt là các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân, thảo luận việc thiết lập cơ chế để lách các lệnh trừng phạt, tiếp tục các hoạt động giao dịch thương mại với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Việc Tehran tận dụng được những bất đồng hiện nay giữa các nước với Mỹ liên quan vấn đề thuế quan hay việc Washington rút khỏi một loạt thỏa thuận, bao gồm cả thỏa thuận hạt nhân Iran, phần nào giúp nước này lôi kéo nhiều đối tác, như Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc đứng về phía mình trong "cuộc đấu cân não" này.
Đây được đánh giá là bước đi khôn ngoan của nước cộng hòa Hồi giáo, vừa có thể tạo lòng tin trên thị trường, vừa có thể cô lập Mỹ.
Ngoài ra, cũng phải kể tới yếu tố nhu cầu dầu mỏ ở các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, đang giảm dần do tăng trưởng kinh tế chậm lại, đã kiềm chế đáng kể đà gia tăng của giá dầu.
Dẫu vậy, giới phân tích cho rằng tình hình giá dầu sụt giảm như hiện nay nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi quyết định miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran chỉ kéo dài 180 ngày, sau đó sẽ là thời điểm "khát" nhiên liệu do nhu cầu đi lại vào mùa Hè tới.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của hãng UBS nhận định dù miễn trừ biện pháp trừng phạt, thì Washington cũng sẽ yêu cầu các nền kinh tế kể trên giảm mạnh lượng dầu nhập khẩu từ Iran, để tiến tới đưa xuất khẩu dầu của quốc gia Hồi giáo về mốc 0 như cảnh báo của Tổng thống Donald Trump.
Do đó, về dài hạn, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các đối tác nhập khẩu dầu của Iran vẫn đe dọa sự cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới vốn luôn trong trạng thái bất ổn và giá mặt hàng này có nguy cơ bị đẩy lên cao.
Nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu hoàn toàn có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm sau.
Ngay cả khi Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tuyên bố có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran, nhiều ý kiến vẫn quan ngại, bởi hiện Saudi Arabia sản xuất trung bình dưới 11 triệu thùng/ngày và chỉ có thể tăng tối đa lên 12 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia Badiali thuộc công ty Banyan Hill khẳng định "thị trường đang đánh giá quá cao lượng dầu có thể cung ứng". Theo ông, thế giới khó có thể sản xuất thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày, không đủ để bù đắp cho nguồn cung dầu thiếu hụt từ Iran, dự kiến lên tới 1,5 triệu thùng/ngày.
Đó là chưa kể khả năng nếu bị "dồn tới chân tường", khi lượng dầu xuất khẩu sụt giảm (có thể tới 2/3), khiến nền kinh tế suy giảm mạnh, Iran sẽ buộc phải xuất "chiêu bài độc" phong tỏa Eo biển Hormuz - nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua.
Khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không còn chỉ gây tác động đối với riêng Iran mà còn liên lụy tới nhiều nước khác, và giá dầu leo thang cũng là điều khó tránh khỏi.
Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ không chỉ đẩy căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thế giới, đặc biệt là đối với thị trường "vàng đen", kéo lùi tăng trưởng kinh tế.
Đây cũng chính là những yếu tố tạo thêm rủi ro đối với thị trường dầu mỏ trong những tháng tới.