Thị trường dầu thế giới trải qua tuần giao dịch 'thăng hoa'
Việc nguồn cung thắt chặt do chương trình cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) cũng tiếp tục hỗ trợ giá "vàng đen" trong phiên này.
Phiên 12/2, giá dầu Brent tăng 1,29 USD (tương đương 2,1%) lên 62,43 USD/thùng sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/1/2020 là 62,83 USD/thùng trong cùng phiên.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) khi kết thúc phiên cũng tăng 1,23 USD (2,1%) lên 59,47 USD/thùng. Trước đó cùng phiên, giá loại dầu này cũng tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 9/1/2020 là 59,82 USD/thùng.
Trong phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp gỡ một nhóm nghị sĩ thuộc lưỡng đảng, bao gồm các thị trưởng và thống đốc khi ông nỗ lực thúc đẩy Quốc hội thông qua kế hoạch cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD cho nền kinh tế đang bị đại dịch COVID-19 tàn phá.
Ngoài ra, giới quan sát nhận định giá dầu tăng trong những tuần gần đây một phần do chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC+ và những dấu hiệu cho thấy kho dự trữ dầu thô trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, đang giảm.
Nhìn chung, thị trường dầu thế giới đã có một tuần giao dịch khá thăng hoa với 4 phiên tăng và chỉ một phiên giảm.
Mở đầu tuần mới, giá dầu thế giới tiếp tục đà tăng cao trong phiên ngày 8/2, được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất lớn và kỳ vọng về các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung của Mỹ.
Đà tăng giá tiếp tục kéo dài sang phiên 9/2, khi tâm lý nhà đầu tư tiếp tục được củng cố bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Bên cạnh đó, nhà phân tích về năng lượng Eugen Weinberg tại Commerzbank Research cho rằng các yếu tố thị trường như sự lạc quan của nhà đầu tư và đồng USD lại xuống giá là điều đầu tiên và quan trọng nhất đằng sau sự gia tăng gần đây của giá dầu.
Trong phiên 10/2, giá dầu nới rộng đà tăng trong phiên thứ 9, ghi nhận chuỗi ngày tăng giá dài nhất trong hai năm qua. Ngoài thỏa thuận của OPEC+, lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ giảm cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu đã giảm tuần thứ ba liên tiếp trong tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, trái ngược với dự báo tăng 985.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra.
Tuy nhiên, giá "vàng đen" đã chấm dứt chuỗi tăng mạnh trong phiên 11/2, sau khi cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo các đợt đóng cửa mới và sự xuất hiện các biến thể mới của dịch COVID-19 đã làm giảm triển vọng phục hồi của nhu cầu nhiên liệu.
Nhưng với mức tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần 12/2, giá dầu WTI ghi nhận mức tăng hàng tuần khoảng 4,7% còn dầu Brent tăng 5,3% vào cùng giai đoạn.
Các nhà phân tích của công ty tư vấn tài chính Capital Economics nhận định lượng dầu dự trữ toàn cầu sẽ còn giảm hơn nữa vào cuối năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi cùng với việc nới lỏng các hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19.
Dù vậy, OPEC trong tuần này đã hạ thấp kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021. IEA cũng cho biết nguồn cung dầu vẫn vượt xa nhu cầu, mặc dù vaccine ngừa COVID-19 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhu cầu năng lượng phục hồi.
Dữ liệu nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng vẽ nên một bức tranh ảm đạm. Thống kê chính thức cho thấy số lượng người di chuyển ở Trung Quốc trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã giảm tới 70% so với hai năm trước do các hạn chế đi lại để chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, giới phân tích cho biết việc tái cân bằng trên thị trường năng lượng cũng có thể gặp phải trở ngại nếu sản lượng của Mỹ tăng.
Theo dữ liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên tại Mỹ đã tăng tuần thứ 12 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 6/2017 tới nay.