Giá xăng dầu hôm nay 12/2: Giảm trở lại sau chuỗi tăng kỷ lục vì OPEC, IEA bi quan về triển vọng nhu cầu
Giá xăng dầu thế giới hôm nay:
Xem thêm: Giá xăng dầu ngày 13/2
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,74% xuống 57,81 USD/thùng vào lúc 8h10 (giờ Việt Nam) ngày 12/2. Giá dầu thô Brent giao tháng 4 cũng giảm 0,26% xuống 60,73 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 8h10 ngày 12/2/2021
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 6/2021 | Tokyo | 38.380 | (0,36) | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 4/2021 | ICE | 60,73 | (0,26) | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 3/2021 | Nymex | 57,81 | (0,74) | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/2), kết thúc chuỗi tăng kéo dài sau khi cả OPEC và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) cho biết các lệnh phong toả mới và sự xuất hiện của các chủng mới của virus COVID-19 đã làm giảm triển vọng phục hồi nhu cầu.
Trong phiên giao dịch trước đó (10/2), giá dầu thô Brent đã tăng phiên thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng kỷ lục được xác lập lần cuối vào tháng 1/2019. Giá dầu Brent cũng có những chuỗi tăng dài kỷ lục vào tháng 4 và tháng 9/2007. Giá dầu WTI cũng ghi nhận ngày tăng thứ 8 liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ tháng 1/2019.
Cả hai loại dầu đều chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (10/2) ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 và trong phiên ngày 11/2 vẫn nằm trong vùng quá mua với Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trên 70 trong ngày thứ 8 liên tiếp.
"Giá dầu thô chững lại sau khi tăng vọt vào tháng 2 lên mức giá mà một số nhà phân tích cho rằng sẽ không thể chạm tới cho đến vài năm nữa", Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA (New York, Mỹ), cho biết.
OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới trong năm 2021 sẽ phục hồi chậm hơn so với dự đoán trước đây. Trong khi IEA cho biết nguồn cung dầu toàn cầu vẫn vượt quá nhu cầu, nhưng vắc-xin COVID-19 sẽ giúp nhu cầu phục hồi.
"Bình luận của cơ quan (IEA) thực sự còn là một lời nhắc nhở khác rằng dầu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và việc định giá quá cao là quá sớm khi điều duy nhất giữ giá ở mức cao là nguồn cung nhân tạo do OPEC và các đồng minh giảm sản xuất", người đứng đầu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, Bjornar Tonhaugen nhận định. Ông cũng lưu ý về tốc độ phục hồi nhu cầu dầu chậm chạp.
Giá dầu đã tăng trong những tuần gần đây nhờ OPEC và các đồng minh trong OPEC+ giảm sản lượng và Saudi Arabia cam kết giảm tự nguyện bổ sung.
IEA cho biết dự báo về một đợt giảm nhanh chóng về tồn kho trong nửa cuối năm có thể tạo tiền đề cho OPEC bắt đầu nới lỏng hạn chế về nguồn cung.
Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng dầu ở Argentina và sự gia tăng nguồn cung dự kiến từ Libya sau khi kết thúc phong tỏa cảng Hariga cũng đã gây áp lực lên giá dầu.
Những khó khăn do các biến thể mới xuất hiện của COVID-19 gây ra và nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin cũng làm giảm tâm lý nhà đầu tư. Một nhà khoa học người Anh cho biết biến thể của COVID-19 được tìm thấy ở hạt Kent (Anh) có khả năng càn quét toàn thế giới theo Reuters.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay
Chiều ngày 10/2, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được giữ ổn định so với giá bán lẻ tối đa hiện hành như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 16.309 đồng/lít
Xăng RON95-III: không cao hơn 17.270 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 13.042 đồng/lít.
Dầu hỏa: không cao hơn 11.908 đồng/lít.
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 12.622 đồng/kg.
Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 10/2.