Thị trường cổ phiếu èo uột, 'đại gia trái phiếu doanh nghiệp' vững ngôi đầu lợi nhuận quí IV
Thị trường chứng khoán năm 2019 phân hóa rõ nét, kênh đầu tư trái phiếu lên ngôi | |
Năm 2019: Bước đầu tiên trên chặng đường mới của trái phiếu doanh nghiệp |
Qua thống kê một số công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quí IV/2018, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities – TCBS) nổi lên là tên tuổi có lợi nhuận sau thuế lớn nhất với con số 655 tỉ đồng, bỏ xa các công ty chứng khoán lớn khác như CTCP Chứng khoán SSI (SSI), CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI), …
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) năm nay bất ngờ góp mặt ở vị trí thứ hai nhờ khoản chênh lệch đánh giá lại cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng 252 tỉ đồng. May Sông Hồng niêm yết HOSE vào ngày 18/11/2018. Đến cuối năm, khoản đầu tư vào May Sông Hồng của FPTS được định giá gần 266 tỉ đồng trong khi giá vốn chỉ khoảng 13,5 tỉ đồng. Đây là khoản lợi nhuận chưa thực hiện và FPTS chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản lợi nhuận này.
Một số công ty chứng khoán có lợi nhuận sụt giảm khá mạnh như HSC, CTCP Chứng khoán VNDirect (VND), CTCP Chứng khoán IB (IBSC), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), CTCP Chứng khoán MB (MBS).
Hai công ty chứng khoán thậm chí còn báo lỗ là CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI). Lí do chính được VDSC và BSI đưa ra là diễn biến thất thường, bất lợi của thị trường chứng khoán.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quí IV/2018, số của Chứng khoán SSI là số liệu công ty mẹ - chưa hợp nhất. |
Đây là một kết quả lợi nhuận rất đáng nể của TCBS vì qui mô tài sản của công ty này chỉ là 4.351 tỉ đồng, trong khi của SSI (công ty mẹ) là gần 23.500 tỉ đồng (gấp 5 lần), của VND là hơn 10.500 tỉ đồng (gấp 2,4 lần), của VCI là 6.510 tỉ đồng (gấp 1,5 lần), ...
Để có được lợi nhuận trên, TCBS cũng phải có doanh thu hoạt động cao vượt trội với trị giá gần 900 tỉ đồng, tăng trưởng 126% so với cùng kì 2017. Chứng khoán SSI đứng thứ hai với 859 tỉ đồng, giảm 15%. Doanh thu hoạt động của các công ty khác đều chưa bằng một nửa SSI hay TCBS.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quí IV/2018. |
Tuy có doanh thu hoạt động lớn nhưng lãi hoạt động tự doanh hay doanh thu môi giới của TCBS chỉ ở nhóm trung bình, không quá nổi trội.
Doanh thu hoạt động, lãi tự doanh và lợi nhuận ròng của FTS đều tăng đột biến do ghi nhận chênh lệch giá trị đầu tư vào cổ phiếu MSH. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quí IV/2018. |
Chứng khoán Bản Việt (VCI) vươn lên đứng đầu về doanh thu môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quĩ trên sàn HOSE trong quí IV/2018, lần đầu lật đổ ngôi thống trị 19 quí liên tiếp của Chứng khoán SSI. Nhờ vậy, doanh thu môi giới của VCI quí vừa qua đạt 208 tỉ đồng, cao hơn con số 200 tỉ đồng của SSI. TCBS đạt 36 tỉ đồng doanh thu môi giới, xếp sau HSC, VND, MBS, ...
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quí IV/2018. |
Sở dĩ doanh thu của TCBS lớn là nhờ doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán lên tới gần 688 tỉ đồng (chiếm trên 76% tổng doanh thu) – lớn hơn toàn bộ doanh thu hoạt động của VND, VCI hay HSC …
"Đại gia" trái phiếu doanh nghiệp
Tuy báo cáo tài chính của TCBS không nêu rõ doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán đến từ loại chứng khoán nào nhưng có thể suy đoán đó là trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, tổng giá trị giao dịch thực hiện trong quí (cho CTCK và cho khách hàng) trong quí IV là hơn 37.322 tỉ đồng thì có đến trên 75% là giao dịch trái phiếu. Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán trị giá hơn 1.400 tỉ đồng của TCBS thời điểm cuối năm cũng chỉ ghi nhận một số lượng cổ phiếu không đáng kể, giá trị trái phiếu chiếm gần như 100%.
Trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đều được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Các trái phiếu chưa niêm yết chính là trái phiếu doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities – TCBS) được thành lập năm 2008, là công ty con thuộc sở hữu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Năm 2017, TCBS cũng đứng thứ hai về lãi ròng chỉ sau Chứng khoán SSI. Cùng năm này, TCBS đứng đầu thị trường về lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp với khoảng gần 40% thị phần tư vấn phát hành và 82,33% thị phần môi giới trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
Năm 2016 và 2018, TCBS giành giải thưởng Best DCM House in Vietnam (Nhà tư vấn trái phiếu tốt nhất Việt Nam do tạp chí Finance Asia trao tặng. Đồng thời, tạp chí Alpha Southeast Asia cũng vinh danh TCBS là Nhà tư vấn trái phiếu tốt nhất Việt Nam giai đoạn 2007-2016.
Năm 2018 vừa qua, TCBS nắm thế độc quyền mảng môi giới trái phiếu trên sàn HOSE với thị phần lên tới trên 81%. Do trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đều được niêm yết tại HNX nên những trái phiếu giao dịch tại HOSE đều là trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn: HOSE. |
Trong giai đoạn 2011-2018, TCBS có tốc độ tăng trưởng bình quân kép (CAGR) doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ở mức khá cao, lần lượt gần 59% và 78%.
Doanh thu thuần của TCBS đạt tốc độ tăng CAGR bình quân 59% một năm giai đoạn 2011-2017. Nguồn: số liệu TCBS. |
Lợi nhuận sau thuế của TCBS đạt tốc độ tăng CAGR bình quân 78% một năm giai đoạn 2011-2017. Nguồn: số liệu TCBS. |
Về chiến lược kinh doanh cốt lõi, TCBS không tập trung vào giành thị phần môi giới cổ phiếu hay giao dịch phái sinh mà định hướng thiên về mảng Tư vấn tài chính doanh nghiệp (Corporate Advisory) và Quản lí gia sản cá nhân (Wealth Management).
Trong giai đoạn từ 2014-2017, khối lượng trái phiếu chúng tôi tư vấn phát hành lên đến 99.000 tỷ đồng. Một số giao dịch nổi bật mà TCBS đã thực hiện bao gồm:
- Phát hành các trái phiếu Vingroup không Tài sản bảo đảm (TSBĐ) và không kèm chứng quyền với tổng giá trị 12.600 tỉ đồng trong giai đoạn từ 2015 đến 2017. Vingroup là doanh nghiệp phi ngân hàng đầu tiên phát hành và niêm yết trái phiếu không chuyển đổi, không TSBĐ trên sàn giao dịch chứng khoán HCM (HOSE) với tổng khối lượng niêm yết lũy kế trên 9.600 tỉ đồng. Những giao dịch này đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, góp phần huy động các nguồn vốn trong xã hội vào đầu tư sản xuất.
- Phát hành trái phiếu Vingroup tổng trị giá 3.000 tỉ đồng được bảo lãnh bởi tổ chức CGIF danh tiếng (xếp hạng tín nhiệm AA của Standard & Poor’s trên quy mô toàn cầu). Giao dịch được hoàn thành vào tháng 2/2016.
- Phát hành trái phiếu CII có TSBĐ với tổng trị giá 300 tỉ đồng của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã: CII) vào tháng 12/2017.
- Phát hành trái phiếu Nam Hà Nội có TSBĐ với giá trị 5.500 tỉ đồng của CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội (đã được đổi tên thành Công ty cổ phần Vinhomes - một công ty con của Tập đoàn Vingroup) vào tháng 10/2017.
- Phát hành trái phiếu của CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) có đảm bảo bằng tài sản với tổng trí giá 6.000 tỉ đồng. Tháng 12/2017, TCBS tiếp tục tư vấn phát hành trái phiếu không TSBĐ, không kèm chứng quyền với tổng trị giá 3.000 tỉ đồng, lần đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.
- Tư vấn niêm yết cổ phiếu Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan có giá trị vốn hóa tương đương 45.000 tỉ đồng.
- Đại lý mua cổ phiếu quỹ CTCP Tập đoàn Masan với giá trị giao dịch là 9,5% số cổ phần đang lưu hành, tương đương 5.900 tỉ đồng vào tháng 11/2017.
Ở mảng quản lí tài sản cá nhân, sản phẩm nổi bật của TCBS là trái phiếu doanh nghiệp iBond được thiết kế dành riêng cho khách hàng cá nhân với mức đầu tư ban đầu từ 200 triệu đồng. Lãi suất trái phiếu cũng thường được điều chỉnh 6 tháng hoặc 1 năm/lần để giảm rủi ro lãi suất thay đổi cho nhà đầu tư.
Tổng doanh số trái phiếu này tính từ khi ra đời năm 2014 là 34.186 tỉ đồng với gần 13.500 khách hàng, chiếm 82,3% thị phần môi giới trái phiếu tại HOSE. Sản phẩm này được phân phối tại 280 chi nhánh của Ngân hàng mẹ Techcombank ở 44 tỉnh thành trên cả nước.
Xem thêm |