|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 18/2: Áp lực từ SAB, VNM, HPG cùng họ Vingroup, VN-Index mất gần 7 điểm

10:18 | 18/02/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 18/2 giảm điểm trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ cùng tình hình dịch covid-19 tiếp tục lây lan.

Kết phiên, VN-Index giảm 6,84 điểm (0,73%) xuống 927,93 điểm; HNX-Index tăng 0,46% lên 110,07 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02% xuống 56,25 điểm.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán 19/2

Độ rộng thị trường phân hóa với 335 mã tăng giá, 311 mã giảm giá và 154 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường đạt 248,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.814 tỉ đồng; trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 813,8 tỉ đồng.

Về cuối phiến, áp lực bán càng diễn ra mạnh tại các mã vốn hóa lớn SAB, VNM, HPG, GAS và "họ Vingroup" VIC, VHM, VRE khiến VN-Index rơi khỏi mốc 930 điểm. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FPT bứt phá 3,3% lên 56.000 đồng/cp; các mã bluechips CTD, PNJ, MWG, VPB, BID, CTG cũng giao dịch tích cực nhưng không đủ nâng đỡ thị trường.

Cổ phiếu ROS đóng cửa tại giá thấp nhất phiên 7.970 đồng/cp; trong khi các mã khác "họ FLC" như GAB, AMD, ART, HAI duy trì giao dịch tích cực. Đáng chú ý, cổ phiếu GAB lập đỉnh mới tại 79.900 đồng/cp.

Nhóm khu công nghiệp diễn biến sôi động với PHR tăng kịch trần lên 42.250 đồng/cp; đặc biệt các mã trên UPCoM như SNZ, HPI, VRG đều tăng mạnh.

Tính đến 14h10, VN-Index giảm 8,17 điểm (0,87%) xuống 926,6 điểm; HNX-Index tăng 0,08% lên 109,66 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07% xuống 56,22 điểm.

Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm sâu khiến VN-Index mất hơn 8 điểm. Trong đó, riêng "họ Vingroup" giảm 3,2 điểm. Nhóm ngân hàng cũng lần lượt quay đầu, hiện còn CTG, BID, VPB, ACB, EIB giữ được sắc xanh.

Trong khi đó, cổ phiếu LMH bất ngờ đảo chiều tăng kịch trần lên 2.230 đồng/cp và dư mua hơn 500.000 đơn vị. Cổ phiếu YEG cũng đảo chiều tăng 2,6% sau khi Tập đoàn Yeah1 thông qua nghị quyết về việc phê duyệt dự án xây dựng nền tảng cho người nổi tiếng.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,21 điểm (0,34%) xuống 931,56 điểm; HNX-Index tăng 0,67% lên 110,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,14% lên 56,34 điểm.

Phiên giao dịch buổi sáng diễn biến giằng co theo chiều hướng tiêu cực với tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn VIC, SAB, GAS, VNM. Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng CTG, BID, VPB, TCB và các mã CTD, FPT, PNJ, MWG giao dịch khởi sắc nhưng chưa đủ giúp chỉ số đảo chiều tăng điểm.

Sự phân hóa diễn ra tại hầu hết các nhóm cổ phiếu, toàn thị trường ghi nhận 284 mã tăng giá, 266 mã giảm giá và 131 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường đạt 133 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.449 tỉ đồng; trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 416,3 tỉ đồng.

Cổ phiếu VRC tăng trần hai phiên liên tiếp sau khi doanh nghiệp này công bố muốn mua lại đối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tức tối đa 10 triệu cp để làm cp quĩ. Trong khi đó, cổ phiếu LMH tiếp tục giảm sàn xuống 1.950 đồng/cp.

Tính đến 10h50, VN-Index giảm 2,86 điểm (0,31%) xuống 931,87 điểm; HNX-Index tăng 0,89% lên 110,71 điểm; UPCoM-Index tăng 0,25% lên 56,4 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng hồi phục giúp thu hẹp đáng kể đà giảm của chỉ số. VN30-Index có thời điểm đã lấy lại sắc xanh nhờ các mã CTG, BID, VPB, TCB. Trên HNX, cổ phiếu ACB tiếp tục bứt phá giúp chỉ số sàn này tăng hơn 1%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MSN giảm 0,4% xuống 49.500 đồng/cp. Tập đoàn Masan vừa cho biết đang có kế hoạch huy động 10.000 tỉ đồng trái phiếu theo phương thức chào bán ra công chúng trong năm 2020.

Mệnh giá mỗi trái phiếu 100.000 đồng, tương ứng 100 triệu đơn vị. Lượng trái phiếu này được chia làm 4 đợt phát hành, dự kiến thực hiện trong quí I và quí II/2020.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 5,78 điểm (0,62%) xuống 928,99 điểm; HNX-Index giảm 0,17% xuống 109,38 điểm; UPCoM-Index tăng 0,04% lên 56,28 điểm.

Ghi nhận đến 7h sáng nay 18/2, thế giới hiện có 73.348 ca nhiễm covid-19, 1.868 ca tử vong và 10.615 người được chữa khỏi. 5 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục, gồm 1 ở Philippines, 1 ở Hong Kong, và 1 ở Nhật Bản, 1 ở Pháp và 1 ở Đài Loan.

Thị trường chứng khoán trong nước phiên 18/2 diễn biến tiêu cực sau tình hình dịch covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. VN-Index giảm gần 6 điểm và đánh mất mốc 930 điểm.

Cổ phiếu VIC giảm 3,1% còn 104.600 đồng/cp, mức giá thấp nhất trong một năm trở lại đây. Cùng với đó, các mã SAB, VHM, VRE, GAS, VCB, TCB giao dịch tiêu cực góp phần khiến chỉ số giảm điểm.

Cổ phiếu ROS giảm sàn (6,9%) xuống 7.970 đồng/cp. Theo dự báo của Chứng khoán BSC, cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ bị loại khỏi danh mục của FTSE ETF trong kì cơ cấu tới do vi phạm tiêu chí vốn hóa free float.

Cổ phiếu PLX cũng có thể bị loại nếu thanh khoản không cải thiện hai tuần tới. Mã này hiện giảm 0,9% xuống 52.600 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CTD tiếp tục hồi phục 4,4% lên 71.000 đồng/cp; mã CTG cùng tăng 1,7% và lấy lại mốc 27.000 đồng/cp.

Cổ phiếu IMP tăng kịch trần lên 60.800 đồng/cp sau khi nhóm VinaCapital công bố bán ra. Cụ thể, hai quĩ thành viên VOF Investment Limited và Vietnam Ventures Ltd đã bán ra lần lượt 250.000 cổ phiếu 56.250 cổ phiếu IMP vào ngày 10/2, ước tính thu về tổng số tiền gần 17 tỉ đồng.

Cổ phiếu GAB tiếp tục tăng kịch trần và lập đỉnh mới tại 79.900 đồng/cp. So với vùng giá tích lũy quanh 10.000 đồng/cp, mã này hiện tăng gần 8 lần. Cổ phiếu AMD cũng tăng hết biên độ lên 2.180 đồng/cp.

Sơn Tùng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.