Thị trường chứng khoán 11/3: Bluechips đồng loạt giảm sàn, VN-Index mất hơn 26 điểm
Kết phiên, VN-Index giảm 26,15 điểm (3,13%) xuống 811,35 điểm; HNX-Index giảm 0,64% xuống 105,52 điểm; UPCoM-Index giảm 1,74% xuống 52,48 điểm.
Xu hướng tiêu cực diễn ra trong suốt phiên giao dịch hôm nay khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm kịch sàn như VJC, BID, VPB, PNJ, MWG, GAS. Về cuối phiên, các cổ phiếu "họ Vingroup" VIC, VHM, VRE hồi phục góp phần thu hẹp đà giảm thị trường, VN-Index nhờ đó giữ được mốc 810 điểm.
Nhóm ngân hàng là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm, điển hình các cổ phiếu BID, VPB, TCB, STB giảm sàn; riêng cổ phiếu SHB hồi phục trong phiên chiều và tăng kịch trần về cuối phiên.
Các nhóm cổ phiếu có tính thị trường như bất động sản, dầu khí, chứng khoán, khu công nghiệp, hàng không nhìn chung đều chịu áp lực bán mạnh. Họ FLC giao dịch phân hóa với AMD, HAI, KLF tăng kịch trần, ngược lại ART, FLC, ROS giảm sâu.
Độ rộng thị trường ghi nhận tới 489 mã tăng giá so với 204 mã giảm giá và 148 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản tiếp tục ở mức cao với khối lượng 414,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 6.613 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 1.359 tỉ đồng.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 38,64 điểm (4,61%) xuống 798,86 điểm; HNX-Index giảm 2,4% xuống 103,65 điểm; UPCoM-Index giảm 1,59% xuống 52,55 điểm.
Lực bán mạnh bất ngờ diễn ra vào đầu phiên chiều khiến hàng loạt cổ phiếu rơi xuống giá kịch sàn, riêng nhóm VN30 ghi nhận 5 mã VJC, VPB, PNJ, MWG, GAS. Đà bán tháo bắt nguồn từ cổ phiếu MWG sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân thứ 35 nhiễm COVID-19 là một nữ nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện Máy Xanh số 7 Đà Nẵng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 16,15 điểm (1,93%) xuống 821,35 điểm; HNX-Index giảm 0,86% xuống 105,29 điểm; UPCoM-Index giảm 0,37% xuống 53,21 điểm.
Áp lực bán kéo dài đến hết phiên sáng khiến các chỉ số đều giảm sâu. Độ rộng thị trường tiêu cực với 326 mã giảm giá so với 206 mã tăng giá. Riêng nhóm VN30 chứng kiến 28 mã giảm, đáng chú ý cổ phiếu VJC giảm sàn xuống còn 106.500 đồng/cp.
Các cổ phiếu bán lẻ như MWG, PNJ giảm sâu sau những lo ngại người nhiễm virus corona ghé vào những cửa hàng này. Sắc đỏ cũng chi phối tại nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, bất động sản, cảng biển, chứng khoán.
Hai cổ phiếu nóng YEG, TCH tiếp tục giảm sàn. Ngược lại, cổ phiếu họ FLC ngược dòng bứt phá với AMD, HAI, KLF tăng kịch trần. Nhóm Viettel cũng ghi nhận giao dịch khởi sắc với sắc xanh tại VGI, CTR, VTP.
Thanh khoản thị trường trong phiên sáng đạt 159,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.420 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 361 tỉ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng chỉ số đều giảm sâu và duy trì chênh lệnh âm so với chỉ số cơ sở VN30.
Tính đến 10h50, VN-Index giảm 12,29 điểm (1,47%) xuống 825,21 điểm; HNX-Index giảm 0,32% xuống 105,86 điểm; UPCoM-Index giảm 0,09% xuống 53,36 điểm.
Nhóm hàng không bắt đầu suy yếu, đáng chú ý cổ phiếu VJC giảm 6,7% xuống 106.800 đồng/cp, rơi khỏi đáy tháng 4/2018 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017. Các cổ phiếu dầu khí cũng lần lượt quay đầu giảm giá, hiện còn BSR, PGD, CNG giữ được sắc xanh.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 2,54 điểm (0,3%) xuống 834,96 điểm; HNX-Index tăng 0,59% lên 106,83 điểm; UPCoM-Index tăng 0,43% lên 53,64 điểm.
Sau phiên hồi phục hôm qua (10/3), áp lực bán tiếp tục quay trở lại khiến VN-Index giảm điểm, áp lực đến từ cổ phiếu họ Vingroup và ngành bán lẻ. Cổ phiếu MWG giảm 3,1% xuống còn 91.000 đồng/cp; theo sau đó, cổ phiếu VHM giảm 2% xuống 75.000 đồng/cp.
Thế giới Di động vừa lấy ý kiến cổ đông về việc dời lịch ĐHĐCĐ thường niên 2020 sang cuối tháng 4. Bên cạnh việc hạn chế khả năng lây nhiễm, công ty cho biết diễn biến phức tạp của dịch có thể khiến các cổ đông nước ngoài khó khăn trong việc di chuyển đến và về từ Việt Nam.
Ở phía ngược lại, cổ phiếu VNM tiếp tục hồi phục 2,8% lên 104.500 đồng/cp. Thời gian gần đây, các cổ đông lớn của Vinamilk liên tục gom thêm cổ phần của doanh nghiệp này, đáng chú ý F&N Dairy mua vào gần 6 triệu cp sau nhiều lần bất thành.
Nhóm dầu khí giao dịch khởi sắc sau khi giá dầu chứng kiến hai phiên tăng mạnh khi một báo cáo cho thấy đàm phán giữa OPEC và các nước đồng minh nhiều khả năng sẽ vẫn được diễn ra. Cổ phiếu BSR tăng 2,9% trong khi GAS lấy lại mốc 70.000 đồng/cp.
Nhóm hàng không cũng ghi nhận sự hồi phục tích cực, điển hình là các mã dịch vụ mặt đất như SAS, ACV, CIA, AST, SCS.
Cổ phiếu "họ FLC" tiếp tục là tâm điểm với HAI, AMD, KLF tăng kịch trần; các mã ART, FLC, ROS giao dịch trong sắc xanh. Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu này diễn ra sau thông tin sáp nhập AMD vào GAB, đồng thời HOSE đã nhận được hồ sơ đăng kí niêm yết của FLCHomes.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số ngày 10/3 đi lên mạnh mẽ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đang xem xét một gói kích thích tài khóa để hạn chế tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Giá dầu hồi phục sau phiên giảm sâu cũng phần nào cải thiện tâm lí nhà đầu tư.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1.167,14 điểm, tương đương 4,9% và đóng cửa trên mốc 25.000 điểm. Mức hồi phục hôm 10/3 giúp Dow Jones lấy lại khoảng một nửa cú giảm sâu 2.014 điểm phiên đầu tuần 9/3.
Chỉ số S&P 500 cũng tăng 4,9% và ghi nhận phiên đi lên mạnh mẽ nhất kể từ 26/12/2018. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 4,9% và vọt lên trên ngưỡng 8.000 điểm.