Thị trường bia Việt chững lại, Habeco tìm lối thoát: Xuất ngoại chưa đủ, còn tham vọng lấn sân whisky
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ. Công ty muốn mở rộng thị trường quốc tế do nhu cầu trong nước chững lại, dù Việt Nam vẫn là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á.
Chủ tịch Habeco Trần Đình Thanh cho biết Nhật Bản là một thị trường tiềm năng. “Ngày càng có nhiều người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, và bia rất hợp với ẩm thực Nhật, vì vậy chúng tôi muốn đẩy mạnh tiếp thị tại đây”, ông nói trong chuyến thăm Tokyo gần đây với Nikkei.

Habeco bán 500 triệu lít đồ uống trong năm 2024, trong đó có Bia Hà Nội và Bia Trúc Bạch. (Ảnh: Reuters).
Tính đến tháng 6/2024, số người Việt Nam tại Nhật đã tăng gấp 6 lần trong vòng một thập kỷ, đạt 600.000 người. Habeco cũng tập trung vào các nhà hàng Việt Nam tại Nhật để mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, công ty còn hướng đến các thị trường khác như Anh, Nga, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ.
Nhà máy bia đầu tiên của Habeco được thành lập vào năm 1890, khi Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Sau khi quân đội Pháp rút đi, nhà máy bị phá hủy nhưng đã được xây dựng lại và hoạt động trở lại vào năm 1958. Đến năm 2024, Habeco bán ra hơn 500 triệu lít đồ uống, bao gồm Bia Hà Nội, Bia Trúc Bạch và một lượng nhỏ rượu vang.
Việt Nam có hơn 100 triệu dân và là nước tiêu thụ bia lớn thứ 7 thế giới vào năm 2023. Trong khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về mức tiêu thụ, theo báo cáo của Kirin Holdings, một công ty bia Nhật Bản.
Tuy nhiên, lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam đã giảm 13,8% trong năm đó. Nguyên nhân chính là do các quy định nghiêm ngặt hơn về việc lái xe sau khi uống rượu bia.
Trước khó khăn này, Habeco đang cân nhắc mở rộng sang lĩnh vực rượu whisky. Ông Thanh nhận thấy Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong ngành này. Ông hiện đang thăm các nhà máy chưng cất lớn tại Nhật để tìm kiếm đối tác.
Năm 2024, Habeco lãi ròng hơn 382 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Doanh thu thuần tăng 6% lên gần 8.220 tỷ đồng, biên lãi gộp cải thiện từ 24,7% lên 26,6%. Habeco cho biết kết quả này có được nhờ sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh, cùng với việc thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí.
Một số công ty con của Habeco cũng có kết quả kinh doanh khả quan, trong khi một số khác giảm lợi nhuận. Bia Hà Nội - Hải Dương lãi ròng hơn 6,3 tỷ đồng, tăng 5%. Trong khi đó, ba công ty khác gồm Thương mại Bia Hà Nội, Bia Hà Nội - Thanh Hóa và Habeco - Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận giảm 23-83%.
Trong báo cáo hồi tháng 11/2024 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhóm phân tích cho rằng tiêu thụ bia đã có dấu hiệu chạm đáy vào quý III/2024 và dần bình ổn trở lại.
Tuy nhiên, thời gian tới, Habeco và các doanh nghiệp bia nói chung phải đối mặt hai rào cản lớn gồm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và nâng mức xử phạt hành vi uống rượu, bia lái xe. Dưới hệ thống chấm điểm cho mỗi giấy phép lái xe, việc bị trừ hết 12 điểm sẽ dẫn tới người tham gia giao thông cần đợi 6-24 tháng trước khi phải kiểm tra lại các kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo quan điểm của BVSC, đây mới là yếu tố chính có thể tác động đến hành vi tiêu dùng rượu bia tại Việt Nam, hướng đến một thị trường rượu bia lành mạnh, bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng.