|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thêm tập đoàn BĐS Trung Quốc cảnh báo sắp vỡ nợ, Evergrande trễ hạn trả ba khoản vay mới

13:24 | 13/10/2021
Chia sẻ
Rủi ro từ nguy cơ vỡ nợ của Evergrande đang lan ra khắp ngành bất động sản Trung Quốc khi chi phí đi vay tăng vọt còn giá cổ phiếu thì lao dốc.

Theo Bloomberg, Sinic Holdings vừa trở thành doanh nghiệp BĐS mới nhất của Trung Quốc cảnh báo nguy cơ vỡ nợ đang đến rất gần.

Trong báo cáo gửi Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX), tập đoàn có trụ sở tại Thượng Hải này cho biết mình không có khả năng trả khoản nợ trái phiếu 250 triệu USD đến hạn vào ngày 18/10 tới đây.

Việc không trả được khoản nợ này có thể kéo theo hai lô trái phiếu khác vỡ nợ căn cứ theo điều khoản về vỡ nợ chéo (cross-default).

Số liệu của Bloomberg cho thấy tổng dư nợ trái phiếu bằng USD của Sinic là 694 triệu USD. Trong tháng 9, tập đoàn này đã không thể trả được khoản trái phiếu nhân dân tệ (NDT) đến hạn, châm ngòi cho phiên bán tháo làm giá cổ phiếu lao dốc 87%.

Thêm tập đoàn BĐS Trung Quốc cảnh báo sắp vỡ nợ, Evergrande trễ hạn trả ba khoản vay mới - Ảnh 2.

Tình cảnh hiểm nghèo của Sinic là dấu hiệu mới nhất về những rủi ro mà các tập đoàn bất động sản và nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt giữa lúc tương lai của "bom nợ" Evergrande còn rất bấp bênh.

Trong ngày 23/9 và 29/9, Evergrande đã không thể thanh toán các khoản lãi trái phiếu đến hạn với tổng giá trị 131 triệu USD. Ngày 11/10 vừa qua, tập đoàn này lại tiếp tục trễ hẹn thanh toán 148 triệu USD đối với ba lô trái phiếu đáo hạn vào các năm 2022, 2023 và 2024.

Evergrande có thời gian ân hạn 30 ngày nên đến 23/10 tới đây, tập đoàn này mới có thể bị tuyên bố vỡ nợ.

Tuần trước, một tập đoàn bất động sản khác là Fantasia bất ngờ không thanh toán nợ đến hạn, càng làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của các công ty nặng nợ trong ngành địa ốc Trung Quốc.

Chi phí đi vay bằng trái phiếu rác (mà bên phát hành chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản) đã tăng vọt trong thời gian gần đây và lên mức cao nhất trong một thập kỷ, lợi suất có lúc chạm 17,5%.

Các doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro tái cấp vốn rất lớn, tức là không thể đi vay nợ mới để có nguồn tiền trả nợ cũ.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, trong số 175 tỷ nhân dân tệ (tức 27,1 tỷ USD) trái phiếu nội tệ vỡ nợ từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 36%.

Song Ngọc