Thế giới sắp thặng dư nguồn cung đường, tại sao giá đường vẫn tăng?
Kết thúc mùa vụ hiện tại, thế giới sẽ lần đầu tiên thặng dư nguồn cung đường sau 4 năm, nhưng giá đường thì vẫn tiếp tục đi lên, tờ Bloomberg ghi nhận.
Tuần trước, giá đường giao sau đã vọt lên mức cao nhất trong 6 năm, đe doạ gây thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế toàn cầu bởi chi phí sản xuất các loại bánh, kẹo và nước ngọt có thể sẽ đi lên.
Nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới là Brazil dự kiến sẽ có một mùa vụ bội thu nhưng thị trường không thể tiếp cận nguồn cung từ quốc gia Nam Mỹ này trước tháng 4, khi vụ thu hoạch bắt đầu. Và hiện tại, thị trường đang bị siết chặt.
Nguyên nhân là bởi vì sản lượng tại Ấn Độ có thể xuống thấp hơn, buộc New Delhi phải hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài. Cùng lúc, sản lượng của châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán và hiện đang khá bấp bênh sau lệnh cấm thuốc trừ sâu.
Thêm vào đó, các nhà máy tại Ấn Độ đang chuyển sang sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất ethanol và việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến nhu cầu toàn cầu đi lên, Bloomberg giải thích.
Hiện tại đã có những dấu hiệu cho thấy việc giá đường tăng đang khiến giá bán lẻ hàng tạp hoá tại Mỹ và châu Âu lên cao hơn.
“Mối lo ngại lớn nhất bây giờ là tồn kho đường toàn cầu đang bị siết chặt. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi dự đoán xuất khẩu đường của Ấn Độ trong thời gian tới có thể sẽ rất hạn chế.
Nếu Brazil xảy ra bất kỳ cú sốc nào thì thị trường đường thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn”, ông Rahil Shaikh, Giám đốc điều hành của công ty thương mại Meir Commodities India, cho hay.
Bloomberg đã tổng hợp lại tình hình tại các nhà cung ứng đường lớn nhất thế giới, cụ thể như sau:
Ấn Độ
Ấn Độ, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, sẽ cung ứng bao nhiêu cho thị trường quốc tế là một câu hỏi quan trọng.
Tuần trước, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ đã hạ triển vọng xuất khẩu cho niên vụ hiện tại xuống còn 6 triệu tấn sau khi thời tiết xấu gây ảnh hưởng đến sản lượng. Động thái này cho thấy chính phủ Ấn Độ khó có thể tăng hạn ngạch xuất khẩu đường.
Bên cạnh đó, nỗ lực tăng sản lượng ethanol của Ấn Độ có thể đẩy một lượng lớn mía đường vào các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.
Brazil
Brazil dự kiến sẽ thu hoạch một trong những vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay, sau khi hạn hán và sương giá làm ảnh hưởng đến các vụ thu hoạch trước đó.
Tuy nhiên, thời tiết tốt có thể sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản từ sớm hơn, qua đó làm gia tăng nguy cơ ách tắc tại các cảng biển bởi nhiều đơn vị sẽ cạnh tranh kho bãi tại các cảng.
Bà Ana Zancaner, nhà phân tích tại công ty thương mại Czarnikow Group, cho biết việc xuất khẩu đường của Brazil bị hạn chế có thể kéo giá đường vật chất lên cao.
Ngoài ra, việc giá nhiên liệu tăng gần đây đang làm dấy lên lo ngại rằng các nhà máy của Brazil có thể sẽ chế biến nhiều mía thành ethanol hơn.
Châu Âu
Châu Âu đang phải nhập khẩu thêm đường sau khi đợt nắng nóng và hạn hán gần đây làm ảnh hưởng đến sản lượng của khu vực.
Mới đây hơn, Liên minh châu Âu (EU) đã ra một phán quyết, củng cố lệnh cấm đối với neonicotinoids, một loại thuốc trừ sâu được coi là có hại cho ong. Điều này càng đe doạ đến sản lượng đường của lục địa già.
Trong một dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang khan hiếm, các thương nhân cho biết một số công ty thực phẩm châu Âu đã phải trả hơn 1.000 bảng Anh (tương đương 1.204 USD) cho một tấn đường tinh luyện trên thị trường giao ngay. Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này đang bị co hẹp.
Những nhà cung ứng khác
Dù có tăng thì nguồn cung của Thái Lan cũng không đủ để lấp đầy khoảng trống của Ấn Độ và Brazil nếu hai nước này gặp trục trặc trong quá trình xuất khẩu đường, Thai Sugar Millers cảnh báo.
Tại Mỹ, doanh nghiệp thường sản xuất đường từ củ cải đường. Tình trạng gián đoạn nguồn cung đường này đã kéo giá đường tinh luyện lên cao, gây ảnh hưởng đến giá kẹo và bánh nướng.
Nhu cầu bật tăng
Theo ông Michael McDougall, Giám đốc cấp cao tại công ty môi giới Paragon Global Market, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ kích thích nhu cầu đi lên.
Tình trạng thắt chặt nguồn cung là mối lo ngại lớn đối với ngành thực phẩm và đồ uống tại nhà nhập khẩu đường hàng đầu Indonesia.
Hiệp hội các nhà tinh chế đường Indonesia cho biết họ có thể phải chuyển sang nhập khẩu đường từ Brazil và Australia để bù cho nguồn cung bị hụt từ Ấn Độ.