|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới khuyến khích dừng test nhanh COVID-19

15:45 | 06/08/2020
Chia sẻ
Bộ Y tế khuyến khích người dân làm xét nghiệm PCR khi Hà Nội vừa có ca dương tính COVID-19 nhưng test nhanh cho kết quả âm tính. Trong khi đó Mỹ, Philipines, Indonesia đã có những thay đổi dừng sử dụng chiến lược test nhanh này.

Ngày 2/8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Trung ương sẽ không cấp kit test nhanh và khuyến khích làm xét nghiệm rRT-PCR.

Cơ chế hoạt động của kĩ thuật PCR

Báo Chính phủ đưa tin, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Vũ Trung, có hai nhóm kĩ thuật xét nghiệm chủ yếu để phát hiện SARS-CoV-2: xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Thế giới khuyến khích dừng test nhanh COVID-19 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Medium).

Kĩ thuật thường dùng nhất là PCR, PCR sẽ phát hiện sự có mặt của ARN virus trong mẫu bệnh phẩm từ người (người bệnh/hoặc người nghi ngờ) nhiễm virus. Loại bệnh phẩm thường dùng nhất là dịch ở họng mũi (tị hầu) và họng miệng (khẩu hầu). Tuy nhiên, khả năng phát hiện virus ở dịch họng mũi cao hơn ở dịch họng miệng.

Xét nghiệm nhanh chưa đủ khẳng định nhiễm virus SARS-CoV-2 

Cũng theo TS Trung, khả năng cũng như tỉ lệ phát hiện SARS-CoV-2 ở từng loại bệnh phẩm, từng lần lấy bệnh phẩm sẽ khác nhau ngay cả ở cùng một người và khác nhau giữa người này với người khác.

Đặc biệt, khả năng phát hiện được virus cũng thay đổi qua các giai đoạn của bệnh. Đồng thời, độ nhạy của xét nghiệm trong thực tế của bất cứ kĩ thuật nào cũng rất khó xác định chính xác (và chắc chắn là không được 100% như kì vọng về mặt lí thuyết). 

Kết quả của một xét nghiệm âm tính cũng không có nghĩa là người đó không bị nhiễm virus. Nếu một kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng cần phải xem xét khả năng dương tính giả. 

Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp test nhanh âm tính nhưng lại dương tính khi xét nghiệm bằng kĩ thuật Realtime RT-PCR (viết tắt là rRT-PCR) - là loại xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực, theo nguyên lí khuếch đại gene.

Test nhanh âm tính rồi lại dương tính

Hà Nội vừa xuất hiện BN714 có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngày 5/8. Tuy nhiên, trước đó, bệnh nhân này từng làm xét nghiệm nhanh hôm 31/7 và có kết quả âm tính.

Thế giới khuyến khích dừng test nhanh COVID-19 - Ảnh 2.

Xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm COVID-19, và không lây cho người khác. (Ảnh minh họa: Bộ Y tế).

Sở Y tế Hà Nội cho biết đã test nhanh COVID-19 cho 70.689 trường hợp, ghi nhận 12 trường hợp dương tính, sau đó xét nghiệm khẳng định bằng kĩ thuật PCR thì toàn bộ lại âm tính. 

Trong đợt dịch COVID-19 xảy ra vào tháng 4/2020, có nhiều ca xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính cũng như có những bệnh nhân liên tục có kết quả âm tính rồi lại dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Cụ thể như trường hợp của BN52 và BN149, hai bệnh nhân này liên tục cho kết quả âm tính rồi lại dương tính.

Các chuyên gia cho rằng do COVID-19 là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi cơ thể khỏe mạnh, hàng rào miễn dịch được tăng cường, virus sẽ yếu đi và ngược lại, nếu cơ thể yếu đi, miễn dịch kém thì virus lại bùng lên.

Theo Sức khỏe & Đời sống, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trước đó cho biết, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không. 

Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm, và không lây cho người khác.

Thế giới cũng đang khuyến khích dừng test nhanh COVID-19

Bộ Y tế Philipines cho biết sẽ dừng sử dụng các bộ kit test nhanh để kiểm tra sàng lọc bệnh nhân mắc COVID-19. Người phát ngôn của Bộ Y tế Philipines Maria Vergeire cho biết đây là mục tiêu trong kế hoạch mới nhất nhằm ngăn chặn COVID-19.

Thế giới khuyến khích dừng test nhanh COVID-19 - Ảnh 3.

"Bây giờ test nhanh COVID-19 không hiệu quả nữa. Sử dụng kĩ thuật PCR sẽ hiệu quả hơn", phía Indonesia cho biết. (Ảnh minh họa: CNN).

Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC của Mỹ cũng đưa ra thay đổi khuyến cáo của mình là không sử dụng chiến lược dựa vào test nhanh nữa, đồng thời đề nghị các tổ chức y tế địa phương tiểu bang nên thận trọng hơn trong việc sử dụng công nghệ phản ứng nhanh này.

Tiến sĩ Karen Landers, trợ lí y tế của bang Alabama trao đổi với FOX10 News rằng các xét nghiệm test nhanh cũng có giới hạn của chúng, và khả năng cho kết quả âm tính giả cao hơn.

Thống đốc của Indonesia mới đây cũng đã yêu cầu đất nước này nên tối ưu hóa xét nghiệm PCR và dừng các hoạt động test nhanh COVID-19. "Bây giờ test nhanh COVID-19 không hiệu quả nữa. Sử dụng kĩ thuật PCR sẽ hiệu quả hơn", ông nhận định.

Minh Hằng