|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thế giới hứng chịu 'cuộc phục thù của nền kinh tế cũ' vì vội vã chạy theo năng lượng mới

07:21 | 15/10/2021
Chia sẻ
Chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng việc các nước chuyển dòng vốn đầu tư từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Các chuyên gia nói gì khi thế giới đối mặt với cú sốc giá năng lượng lịch sử? - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trên một tháp truyền tải điện cao thế ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Giá nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tăng cao đến mức một số chuyên gia hàng hóa gọi tình hình hiện nay là "khủng hoảng năng lượng" có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng Mỹ.

Tình hình hiện nay cũng tác động đến chính sách năng lượng trong bối cảnh thế giới cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu thô và chuyển sang năng lượng tái tạo.

Các tài sản năng lượng - từ hợp đồng khí đốt tự nhiên cho đến dầu thô - đang được giao dịch xung quanh mức đỉnh nhiều năm, đặc biệt đáng chú ý vì mức độ và tính nghiêm trọng của nó.

Các chuyên gia nói gì khi thế giới đối mặt với cú sốc giá năng lượng lịch sử? - Ảnh 2.

Số liệu lấy đến 14h ngày 14/10.

Bà Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa của ngân hàng đầu tư RBC chia sẻ với MarketWatch: "Cứ như thể tất cả những kịch bản tồi tệ có thể xảy ra đều đang xảy ra. Đây là một câu chuyện với nhiều khía cạnh".

Vì sao thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng?

Vậy khủng hoảng năng lượng là gì và vì sao thế giới lại rơi vào tình cảnh này?

Ông Jeffrey Currie, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs giải thích khủng hoảng năng lượng đơn giản là hiện tượng "không có đủ cung năng lượng để đáp ứng cầu".

Sự gia tăng về giá năng lượng càng khiến những lo ngại về lạm phát dai dẳng trầm trọng hơn.

Lần này, giá năng lượng gia tăng đang bị đổ cho là hệ quả của một loạt sự kiện. Chúng bao gồm: Các nền kinh tế mở cửa sau đại dịch, các quyết định của Trung Quốc, nỗi lo các nhà sản xuất năng lượng không tăng đủ sản lượng và sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo, trong khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch suy giảm.

Thực vậy, COVID-19 có thể đã đẩy nhanh xu hướng giảm thiểu đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Năm 2020, việc các nước đóng cửa để chặn virus lây lan đã giáng đòn mạnh vào sản lượng dầu thô, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Các chuyên gia nói gì khi thế giới đối mặt với cú sốc giá năng lượng lịch sử? - Ảnh 3.

Vai trò của Trung Quốc

Trung Quốc là nhà nhập khẩu sản phẩm năng lượng lớn nhất thế giới. Các báo cáo và dữ liệu cho thấy Trung Quốc đã trở tay không kịp khi nhu cầu năng lượng hậu COVID-19 tăng đột ngột. Trung Quốc buộc phải sử dụng những loại than bẩn nhất thế giới, dù đã cố gắng giảm phát thải carbon.

Tờ Financial Times lưu ý rằng các nhà máy nhiệt điện than chiếm khoảng 70% sản lượng điện của Trung Quốc, nhưng nước này đang thiếu nhiên liệu trầm trọng vì đã đóng cửa các nhà máy và mỏ than, một phần vì lý do môi trường.

Thêm vào đó, Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Australia một năm trước do căng thẳng giữa hai nước, làm hạn chế khả năng thu mua nhiên liệu này. Nhưng nếu rắc rối gia tăng, một số người dự đoán Trung Quốc có thể gỡ bỏ lệnh cấm đối với than Australia.

Trung Quốc đang gấp rút tăng cường nhập khẩu than. Trong tháng 9, Bắc Kinh mua 32,88 triệu tấn than, tăng 76% so với một năm trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan nước này.

Vai trò của Nga

Nga bị cho là đã khuếch đại cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách hạn chế xuất khẩu toàn cầu để đẩy giá lên cao hơn nữa. Tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận những tuyên bố này và nói rằng nhà sản xuất khí đốt của Nga Gazprom đang tuân thủ các hợp đồng hiện có để cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Ông Putin cho rằng vấn đề năng lượng là tại các nhà lãnh đạo châu Âu: "Thị trường khí đốt châu Âu có vẻ không cân bằng và khó có thể dự đoán".

Nga bị cáo buộc là lợi dụng tình thế để giành được sự chấp thuận cho Nord Stream 2, đường ống dẫn khí tự nhiên có mục đích chuyển nhiên liệu sang Liên minh châu Âu mà không còn cần đến Ukraine.

Theo Reuters, Nord Stream 2 sẽ tăng gấp đôi công suất xuất khẩu khí đốt theo đường ống của Nga qua Biển Baltic lên 110 tỷ mét khối.

Nhưng chuyên gia Croft của RBC ngờ rằng Nga vẫn sẽ không có đủ công suất cần thiết để đáp ứng nhu cầu hiện tại của châu Âu: "Ngay cả nếu Nord Stream 2 được bật đèn xanh một cách kỳ diệu, Nga không thể tăng công suất đột biến để thỏa mãn nhu cầu hiện nay".

Phản ứng dây chuyền

Hoạt động thu mua than của Trung Quốc đã khiến giá than tăng vùn vụt. Hôm 13/10, một hợp đồng tương lai than quan trọng đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.640 nhân dân tệ/tấn (254,44 USD).

Giá than đắt đỏ buộc những người sử dụng năng lượng chuyển sang các lựa chọn có thể rẻ hơn, hay có sẵn hơn như dầu mazut (dầu FO) và khí tự nhiên.

Bà Croft cho biết: "Vì chúng ta đang chứng kiến mùa đông lạnh khác thường ở châu Á, nguồn cung đang chuyển sang châu lục này thay vì các kho dự trữ khí tự nhiên của châu Âu".

Nhà nghiên cứu Currie của Goldman Sachs nói rằng giá than gia tăng mạnh mẽ sau khoảng thời gian có vẻ như sẽ bị kết liễu trong thời đại năng lượng xanh này. Ông chỉ ra rằng Goldman và một số hãng nghiên cứu khác đã dừng việc theo dõi thị trường than vài năm trước.

"Chúng tôi thậm chí còn không có nhà phân tích chuyên về than… Chúng tôi đã loại bỏ vị trí này từ năm 2014", ông tiết lộ.

Ông Currie nói rằng vì thị trường năng lượng vốn dĩ đã mất cân bằng, nên chỉ một yếu tố không quá lớn cũng đủ để đẩy thị trường vào cảnh mất kiểm soát.

Khủng hoảng năng lượng châu Âu

Tại Anh, chính phủ đang chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch như nhà máy phát điện gió ngoài khơi. Nhưng một mùa hè lặng gió đã dẫn đến kết cục là nhu cầu năng lượng vượt quá nguồn cung.

Khó khăn trong việc vận chuyển khí tự nhiên do thiếu thốn lao động và nhiều nguyên nhân khác khiến khủng hoảng càng xấu đi.

Hệ quả là giá hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên trong khu vực đã tăng lên theo đường parabol trong những tháng gần đây.

Các chuyên gia nói gì khi thế giới đối mặt với cú sốc giá năng lượng lịch sử? - Ảnh 4.

Số liệu lấy đến 14h ngày 14/10.

Triển vọng

Chuyên gia Croft ví von một cách hài hước rằng nhà đầu tư cần trở thành nhà nghiên cứu khí tượng học, vì mức độ lạnh giá của mùa đông năm nay có thể là yếu tố quyết định khủng hoảng năng lượng sẽ diễn ra theo hướng nào. Mùa đông lạnh lẽo có thể thúc đẩy nhu cầu cho khí tự nhiên và nhiên liệu sưởi ấm, khiến giá càng tăng cao.

Nhà nghiên cứu Currie ví khủng hoảng năng lượng là "cuộc phục thù của nền kinh tế cũ" vì rất nhiều nước đã thúc đẩy nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện và các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn.

"Vốn đã được chuyển hướng sang nền kinh tế mới và bóp nghẹt những gì cần thiết để phát triển cơ sở nguồn cung trong nền kinh tế cũ, ví dụ như nhiên liệu dầu mỏ".

Đó là lý do vì sao Goldman Sachs coi khủng hoảng hiện nay có tiềm năng tạo ra "siêu chu kỳ hàng hóa kéo dài nhiều thập kỷ".

Goldman Sachs trước đây đã dự kiến siêu chu kỳ hiện tại có thể được củng cố bởi xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chưa chắc quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra suôn sẻ như dự đoán của những người ủng hộ năng lượng sạch.

Tại Mỹ

Ông Robert Yawger, Giám đốc hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho Securities cho biết người tiêu dùng Mỹ có thể cảm nhận tác động nặng nhất khi giá xăng tăng mạnh, đặc biệt là nếu giá chạm mức 4 USD/gallon. Ông Yawger cho biết con số này tương đương với dầu WTI đạt 87 USD/thùng.

Ông cũng nói rằng dầu sưởi sẽ là mặt hàng tiếp theo mà các nhà đầu cơ nhảy vào khi mùa đông ở Mỹ đến gần.

Các chuyên gia nói gì khi thế giới đối mặt với cú sốc giá năng lượng lịch sử? - Ảnh 5.

Số liệu lấy đến 14h ngày 14/10.

Giang