Nạn nhân mới của bão giá khí đốt: Làng nghề thổi thủy tinh hơn 700 năm trên hòn đảo trứ danh Murano, Italy
Người dân trên đảo Murano đã kinh qua nhiều biến cố và chứng kiến không ít đại dịch kể từ khi nghề thổi thủy tinh thủ công xuất hiện trên đảo từ cách đây hơn 700 năm. Hơn nữa, để cạnh tranh với nguồn hàng giá rẻ từ châu Á, các nghệ nhân còn phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, giờ đây khi giá khí metan tăng chóng mặt, mô hình kinh tế của người dân trên đảo thủy tinh Murano đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Hàng chục lò nung trên đảo phải cháy suốt ngày đêm, nếu không những nồi nấu kim loại đắt tiền bên trong lò sẽ bị vỡ.
Giá khí metan cung cấp nhiệt cho lò nung đã tăng gấp 5 lần kể từ ngày 1/10, khiến các nghệ nhân thổi thủy tinh phải đối mặt với nguy cơ lỗ nặng ở những đơn hàng hiện tại. Nếu xu hướng giá năng lượng này tiếp tục kéo dài, thiệt hại sẽ còn trầm trọng hơn.
Chia sẻ với AP, ông Gianni De Checchi - Chủ tịch Hiệp hội Nghệ nhân Confartiginato của Venice, bày tỏ: "Mọi người đang rất tuyệt vọng! Nếu chúng tôi không tìm ra giải pháp, toàn bộ ngành thổi thủy tinh trên đảo Murano sẽ lâm nguy".
Một doanh nghiệp thổi thủy tinh tầm trung như của ông Simone Cenedese tiêu thụ khoảng 12.000 m3 khí metan/tháng để duy trì nhiệt độ của 7 lò nung ở mức trên 1.000 độ C. Họ chỉ đóng cửa mỗi năm một lần để bảo trì vào tháng 8.
Thông thường, hóa đơn khí metan của ông Cenedese dao động từ 11.000 euro đến 13.000 euro/tháng, theo hợp đồng giá cố định hết hạn vào ngày 30/9.
Song, do thị trường khí đốt tự nhiên biến động vì nhu cầu cao bất thường của Trung Quốc, nguồn cung khó đoán của Nga và dự trữ thấp một cách đáng lo ngại của châu Âu, ông Cenedese ước tính chi phí đốt lò nung trong tháng 10 có thể lên tới 60.000 euro.
"Chúng tôi không thể tăng giá đã được ấn định sẵn. Điều đó có nghĩa là trong ít nhất hai tháng tới, chúng tôi buộc phải gồng lỗ", ông Cenedese, một thợ thổi thủy tinh đời thứ ba trên đảo Murano, cho hay.
"Chúng tôi bán đồ trang trí chứ không phải nhu yếu phẩm, nếu giá quá cao thì hiển nhiên là không có đơn hàng nữa", vị nghệ nhân tiếp tục.
Ông Cenedese cũng như những đồng nghiệp khác trên đảo đang cân nhắc đóng cửa một trong những lò nung của mình để đối phó với khủng hoảng. Nếu vậy, nồi nấu kim loại bên trong sẽ bị hỏng, phí tổn là khoảng 2.000 euro. Hơn nữa, quá trình sản xuất cũng sẽ bị chững lại và gây ảnh hưởng các đơn hàng đang chờ xử lý.
Thợ chính Davide Cimarosti của ông Cenedese đã thổi thủy tinh trong hơn 42 năm. Ông này cho hay: "Không máy móc nào có thể thay thế được những gì chúng tôi đã làm bao nhiêu năm qua".
Hiện tại, các nghệ nhân đang hy vọng thị trường năng lượng quốc tế sẽ ổn định vào cuối năm, mặc dù một số nhà phân tích tin rằng đà tăng của giá khí đốt sẽ kéo dài đến mùa xuân năm sau. Nếu kịch bản tồi tệ đó xảy ra, thiệt hại kinh tế cho đảo Murano và các doanh nghiệp sản xuất thủy tinh địa phương sẽ chồng chất thêm.
Ngoài tổn thất về kinh tế, người dân tại Murano còn lo sợ sẽ mất đi một ngành nghề truyền thống từng giúp hòn đảo trở thành một điểm đến trứ danh về nghệ thuật. Theo AP, trên hòn đảo Murano thì nghề thổi thủy tinh truyền thống đã được "cha truyền con nối" qua rất nhiều thế hệ.
Ông Luciano Gambaro, đồng sở hữu Gambaro & Tagliapietra - một công ty nổi tiếng về các sản phẩm thủy tỉnh nghệ thuật tại Venice, cho hay: "Giá trị của truyền thống, lịch sử và cả văn hóa này là vô giá, nó vượt ra ngoài giá trị tài chính của ngành công nghiệp thủy tinh ở Murano".
"Hơn 1.000 năm văn hóa không thể khựng lại chỉ vì một cú sốc giá khí đốt được", ông Gambaro nhấn mạnh với hãng tin AP.