|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thay cây lúa bằng cây gì?

11:45 | 01/12/2019
Chia sẻ
Trong phiên họp ngày 6/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho phép giảm diện tích lúa 0,5 triệu héc ta, còn lại chỉ 3,6 triệu héc ta, để nhường đất sản xuất những cây có lợi tức cao hơn cây lúa.

"Chúng ta vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn", ông Cường nói.

Thay cây lúa bằng cây gì? - Ảnh 1.

Cây cao lương sinh khối trồng tại Cù Lao Dung, Sóc Trăng.

Thực ra, ý định giảm diện tích lúa đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất từ hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cuối năm 2017 qua Nghị quyết 120/NQ-CP. 

Các chuyên gia kinh tế nhận định Nghị quyết 120 là một quyết sách sáng suốt cho ĐBSCL bước sang giai đoạn phát triển kinh tế sau một thời gian quá dài chỉ lo thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh phát triển lương thực rất tốn kém ngân sách và hao sức mà không đem lại sự giàu có cho nông dân. 

Nhiều tỉnh đã đi đầu về sản xuất lương thực nhưng nguồn thu ngân sách không đủ để trang trải nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, giảm diện tích lúa nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Trung ương đã đổi mới tư duy từ hai năm qua, mà đến bây giờ chính quyền địa phương của các tỉnh Tây Nam bộ vẫn lúng túng trong thực hiện, không biết phải làm thế nào.

Trước hết, phải nhận định là các hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp mà Nhà nước đã đầu tư đều là cho sản xuất cây lúa. Những vườn cây ăn trái, những vuông tôm, ao cá... phần lớn là đã có từ xưa hoặc do dân tự phát xây dựng. 

Bây giờ thay thế cây lúa bằng cây gì? Con gì? Chính quyền địa phương lúng túng, thậm chí có nơi lại tiếp tục nộp đề án xin cấp trên và được cấp trên phê duyệt, cho đầu tư thêm hạ tầng rất đắt tiền để tiếp tục trồng... lúa trong viễn cảnh nước ngọt ngày càng quí hiếm.

Giảm diện tích lúa nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Trung ương đã đổi mới tư duy từ hai năm qua, mà đến bây giờ chính quyền địa phương của các tỉnh Tây Nam bộ vẫn lúng túng trong thực hiện, không biết phải làm thế nào.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra giải pháp cũng hướng về trồng... lúa, nhưng là trồng lúa chất lượng cao hoặc trồng... lúa lấy cám để trích lấy tinh dầu cao cấp đắt tiền. 

May mắn thay, đã có nhiều người dân tiên phong “tự phát” tìm cách phá vỡ vòng độc canh ba vụ lúa, bằng cách thay một, hai vụ lúa để trồng sen, trồng bắp, trồng đậu, trồng rau, dưa hấu... hoặc nuôi cá, nuôi tôm. 

Vùng ven biển, diễn biến nông dân bỏ lúa vụ mùa nắng vốn phải dẫn nước ngọt rất tốn kém và rủi ro để nuôi tôm càng xanh hoặc tôm đất, tôm sú ngày càng phát triển vì lợi tức từ con tôm gấp 2-3 lần lúa. 

Tuy nhiên, đây chỉ là những điển hình đơn lẻ, tùy thuộc từng gia đình có đầu ra tương đối ổn định.

Mới đây nhất, Công ty Tín Thành chuyên sản xuất điện sinh khối tại Mỹ, về Việt Nam đầu tư sản xuất điện sinh khối bắt đầu từ những nghiên cứu chọn giống sorgo (cao lương) ngọt và cao lương sinh khối. 

Công ty đã chọn nhiều giống cao lương sản xuất 60 tấn/héc ta sinh khối trong chu kỳ 3,5 tháng, tức là có thể trồng ba vụ/năm, có thể cung cấp sinh khối suốt năm cho nhà máy phát điện. Loại cao lương này có triển vọng thay thế cây lúa tại những vùng trồng lúa kém hiệu quả của Việt Nam.

Tóm lại, chính sách giảm diện tích trồng lúa theo Nghị quyết 120 để thay bằng những cây/con giá trị cao sẽ mang lại nền kinh tế phát triển bền vững, giữ môi trường ô nhiễm tối thiểu, sản xuất những sản phẩm hữu ích cho xã hội và nâng cao lợi tức cho người nông dân một cách ổn định. 

Dẫu vậy, những lợi ích này chỉ thực hiện được bằng những chương trình phát triển đồng bộ mà vai trò của Nhà nước là cải tiến lại cấu trúc hạ tầng cho cây lúa bằng những cấu trúc cho cây trồng hoặc vật nuôi thích hợp cho từng vùng sinh thái với sự tham gia của các doanh nghiệp có đầu ra chắc chắn, hợp tác chặt chẽ với tập thể nông dân (hợp tác xã kiểu mới, hội trang trại...) sản xuất nguyên liệu an toàn vệ sinh thực phẩm với giá thành thấp. 

Thực hiện Nghị quyết 120 không khó nếu sớm có chính sách thích hợp, không bị cản trở bởi lợi ích nhóm.

GS.TS. Võ Tòng Xuân