Lúa đông xuân 2019- 2020, dự kiến giảm 55.486 ha để né hạn mặn
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, vụ lúa thu đông 2019 ở ĐBSCL gieo sạ khoảng 722.000 ha, giảm 9.800 ha so với cùng kỳ và giảm 27.700 ha so kế hoạch; sản lượng ước đạt 3,9 triệu tấn, giảm 38.900 tấn so vụ thu đông 2018.
Đối với vụ lúa mùa 2019 ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL, gieo sạ 270.000 ha, giảm 27.800 ha; sản lượng 1,29 triệu tấn, giảm 115.900 tấn so vụ mùa 2018.
Như vậy, thống kê cả năm 2019, toàn vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL sản xuất lúa khoảng 4,3 triệu ha, giảm 41.000 ha; sản lượng ước đạt 25,7 triệu tấn, giảm 197.900 tấn so với năm 2018.
Cục Trồng trọt lý giải, diện tích lúa năm 2019 ở Đông Nam bộ và ĐBSCL giảm 41.000 ha là do chuyển đổi cây trồng và nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn lúa. Song, việc giảm diện tích và sản lượng lúa đã làm giảm tổng giá trị sản xuất lúa khoảng 1.381 tỷ đồng.
Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi cây trồng và thủy sản đã nâng hệ số sử dụng đất lên gấp 2 lần, đưa tổng giá trị sản xuất chuyển đổi trên đất lúa đạt khoảng 17.718 tỷ đồng; cho thấy việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là hiệu quả và bền vững.
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao
Đối với vụ lúa đông xuân 2019- 2020, trước diễn biến tình hình khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Mê Công và vùng ĐBSCL phức tạp.
Đỉnh lũ năm 2019 ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 ở mức cao.
Tổng cục Thủy lợi dự báo, mặn có khả năng xuất hiện sớm khoảng 1-2 tháng (tùy vùng); trong đó khả năng tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4g/lít sẽ tấn công sâu vào đất liền từ 40-67 km, cao hơn 10-15 km so trung bình nhiều năm.
Đây là phạm vi ảnh hưởng đến khả năng việc lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là trong các kỳ triều cường.
Trước tình hình phức tạp của thời tiết, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ra 2 phương án cho vụ lúa đông xuân 2019-2020.
Theo đó, phương án 1 được xây dựng trên các thông tin thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn thì ở Đông Nam bộ và ĐBSCL dự kiến gieo sạ 1,63 triệu ha lúa, giảm 55.486 ha; sản lượng ước 11,1 triệu tấn, giảm 174.341 tấn so với đông xuân 2018-2019.
Phương án 2, dựa trên thực tế sản xuất của các địa phương, vụ đông xuân 2019-2020, ở Đông Nam bộ và ĐBSCL gieo sạ khoảng 1,67 triệu ha, giảm 15.486 ha; sản lượng hơn 11,4 triệu tấn, tăng 97.038 tấn so với đông xuân 2018-2019.
Căn cứ vào dự báo các đợt rầy nâu di trú, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương xuống giống tập trung né rầy. Đợt 1 từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 10-2019; đợt 2 từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 11- 2019; đợt 3 từ giữa tháng 12 đến cuối tháng 12- 2019…
Bộ NN-PTNT dự kiến giảm diện tích lúa đông xuân 2019- 2020 và xuống giống sớm để né hạn mặn
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, nước lũ đang giảm xuống, nguy cơ hạn mặn cũng đã báo hiệu, do đó các tỉnh cần có giải pháp hạn chế những thiệt hại do hạn mặn gây ảnh hưởng cho lúa.
Vì vậy, 2 phương án sản xuất vụ đông xuân 2019- 2020 mà Cục Trồng trọt đưa ra, các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng từng phương án để sản xuất đạt hiệu quả cao.
Đối với lịch thời vụ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh nên tập trung gieo sạ sớm trong tháng 10-2019 để né mặn. Vùng ven biển, ưu tiên những giống ngắn ngày, chống chịu mặn; ngoài ra cần áp dụng các giải pháp tiết kiệm nước.
Riêng những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, Bộ NN-PTNT khuyến khích chuyển đổi cây trồng, nuôi thủy sản… hiệu quả hơn. Song, cần nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ và tăng cường liên kết để giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm nông sản…
Cũng theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 9-2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 586.000 tấn, giá trị 251 triệu USD; đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2019 đạt 5,2 triệu tấn, giá trị 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.