|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thảo luận về thuế doanh nghiệp toàn cầu bước vào giai đoạn quan trọng

23:23 | 27/06/2021
Chia sẻ
Cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ là một trong những chương trình nghị sự chính của cuộc họp giữa 139 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), diễn ra trong hai ngày 30/6-1/7 tới.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong hội nghị thượng đỉnh mới đây đã thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu. 

Thỏa thuận này được cho là sẽ chấm dứt “cuộc đua giảm thuế” doanh nghiệp giữa các nước, với một trụ cột là mức thuế doanh nghiệp tối thiểu thực tế. Theo thỏa thuận này, các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế doanh nghiệp ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.

Trụ cột thứ hai là cho phép các quốc gia mà doanh nghiệp không đặt trụ sở vẫn được đánh thuế trên một phần lợi nhuận của doanh nghiệp, áp dụng với 100 doanh nghiệp đa quốc gia có lợi nhuận lớn nhất thế giới, ví dụ như Google, Facebook hay Apple.

Tại cuộc họp sắp tới, OECD sẽ thảo luận để tìm kiếm sự đồng thuận giữa 139 quốc gia thành viên về thỏa thuận thuế trên. Sau đó, cần có thêm các cuộc thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Italy vào ngày 9-10/7.

Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm chính sách thuế của OECD, cho rằng “mọi người đều nhận ra rằng có thỏa thuận tốt hơn là không đạt được một thỏa thuận nào”. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và các nước châu Âu cũng muốn có một thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán đang ngày càng được đẩy mạnh trong bối cảnh các chính phủ tìm kiếm nguồn thu mới sau khi đưa ra các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định thỏa thuận quốc tế về thuế doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những trở ngại khi các cuộc đàm phán mở rộng sang các quốc gia khác ngoài G7. Đề xuất này đã gây ra các cuộc tranh luận ở một số nước EU như Ireland, Luxembourg, Ba Lan và Hungary - vốn đều dựa vào thuế suất thấp để thu hút các công ty đa quốc gia và xây dựng nền kinh tế của họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Trung Quốc cũng quan ngại về đề xuất này. Hai nguồn tin liên quan đến các cuộc đàm phán nói với AFP rằng Trung Quốc giảm thuế đối với các công ty trong các lĩnh vực chủ chốt, nên sẽ không muốn thuế suất vượt quá 15%.

Mặt khác, ông Biden cũng sẽ cần thời gian để thuyết phục các nghị sỹ Mỹ, trong bối cảnh một số người thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã chỉ trích thỏa thuận thuế này là một "sai lầm kinh tế".

Bên cạnh đó, các vòng đàm phán tiếp theo sẽ tiếp tục thảo luận về mức thuế và số lượng công ty đa quốc gia có lợi nhuận cao có thể bị đánh thuế. Anh ủng hộ đề xuất của G7, và mong muốn lĩnh vực tài chính của nước này được miễn trừ khỏi danh sách các công ty bị đánh thuế một phần lợi nhuận nếu đặt trụ sở chính ở nước ngoài.

Trong khi đó, Pháp lo ngại rằng “người khổng lồ” thương mại điện tử Mỹ Amazon có thể lách thuế vì tỷ suất lợi nhuận của công ty không vượt quá ngưỡng 10%. 

100 công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới sẽ là mục tiêu trong thỏa thuận thuế của G7, nhưng các quốc gia trong G24 - một nhóm liên chính phủ bao gồm các quốc gia đang phát triển như Argentina, Brazil và Ấn Độ - cho rằng cần đưa thêm nhiều công ty hơn vào danh sách này.

Mai Ly