Bước tiến quan trọng hướng đến một hiệp định thuế toàn cầu
Một thỏa thuận chấm dứt “cuộc đua giảm thuế”
Tại cuộc họp, các bộ trưởng tài chính G7 đã cam kết tìm kiếm một giải pháp công bằng trong việc phân bổ quyền đánh thuế với hai trụ cột.
Trụ cột thứ nhất áp dụng cho “phần lợi nhuận vượt tỷ suất lợi nhuận 10% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất”, những doanh nghiệp nhóm này sẽ phải trả thuế suất 20% trên phần lợi nhuận phụ trội. Sau đó số tiền thuế thu được sẽ được phân bổ cho các quốc gia nơi các doanh nghiệp có doanh thu.
Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu thực tế, cho phép các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế doanh nghiệp ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận sẽ góp phần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ông nói, sau nhiều năm thảo luận, các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số, vào thời điểm quan trọng trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Thỏa thuận này nhằm mục đích buộc các tập đoàn lớn nhất thế giới phải đóng thuế nhiều hơn tại các quốc gia nơi họ kinh doanh, không chỉ ở nơi đặt trụ sở chính.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết các bộ trưởng tài chính G7 đã đưa ra một cam kết “nổi bật và chưa từng có tiền lệ” về một mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden xem thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu là cách để chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo rằng các công ty Mỹ sẽ không bị giảm sức cạnh tranh nếu nước này tăng thuế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ca ngợi đây là một thỏa thuận “lịch sử” của G7. Ông cho rằng các công ty từ nay sẽ không thể né tránh việc nộp thuế bằng cách khai báo lợi nhuận ở các nước có mức thuế thấp hơn.
Ông nhấn mạnh đây là tin tốt lành cho sự công bằng về thuế và tinh thần đoàn kết nhưng là tin xấu đối với các thiên đường thuế trên thế giới.
Theo các nhà phân tích, dù G7 không có quyền áp đặt các tiêu chuẩn toàn cầu, song thỏa thuận vừa đạt được vẫn được xem là một bước quan trọng hướng đến hiệp định toàn cầu về thuế doanh nghiệp.
Các chi tiết quan trọng vẫn sẽ tiếp tục được đàm phán trong những tháng tới. Nếu được hoàn tất và đưa vào thực thi, thỏa thuận này sẽ là một bước tiến lớn về thuế trên phạm vi toàn cầu.
Chỉ là điểm khởi đầu
Bộ trưởng Tài chính Anh Sunak cho rằng hiện khó có thể ước tính mức thuế tối thiểu mới được G7 nhất trí sẽ tăng như thế nào bởi cần có thêm các cuộc thảo luận tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói việc G7 nhất trí về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu chỉ là “điểm khởi đầu” và cần có những nỗ lực trong những tháng tới để nhất trí về một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu cao nhất có thể.
Trước đó, trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các bộ trưởng tài chính G7 cam kết ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực đang được thực hiện thông qua Khuôn khổ bao trùm của G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ quá trình toàn cầu hóa và số hóa nền kinh tế và việc áp dụng mức thuế tối thiểu trên phạm toàn cầu.
Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng G20 nên có phương thức tiếp cận thực tiễn khi áp đặt các mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và thể hiện tính bao trùm. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết nước này tin rằng G20 sẽ giải quyết được những mối quan ngại của tất cả các bên.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, từ thỏa thuận vừa đạt được cho tới việc một mức thuế thống nhất được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu vẫn còn cả một chặng đường dài.
Các biện pháp vừa được G7 thông qua còn cần phải tìm được sự ủng hộ rộng rãi hơn tại cuộc họp của nhóm G20, trong đó bao gồm một số nền kinh tế mới nổi, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Bảy tới ở Venice, Italy cùng với cuộc đàm phán được lên kế hoạch với sự tham dự của 135 quốc gia tại Paris, Pháp.
Không những thế, các quốc gia còn phải quyết định xem quy định mới sẽ áp dụng đối với những công ty lớn nào và cách thức phân chia doanh thu thuế sẽ được thực hiện ra sao.
Một số quốc gia châu Âu lo ngại một công ty lớn như Amazon có thể thoát khỏi những quy định này, bởi tập đoàn thương mại điện tử này hiện đang báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết các công ty công nghệ nổi tiếng khác.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cũng cho biết ông sẽ đấu tranh để đạt được mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu phải cao hơn mức 15%. Pháp được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu trong các nỗ lực áp thuế các công ty đa quốc gia với mức thuế có thể lên tới 31%.