Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đảm bảo xuất khẩu nông sản
Theo Bộ NN&PTNT, dịch COVID-19 dự kiến còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội.
Việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Trong khi sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch nên dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hàng ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, trong tháng 8 sản lượng rau củ quả ở phía Nam ước đạt 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn.
Một số loại trái cây có sản lượng lớn như xoài 40 nghìn tấn, chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn nhãn 40,5 nghìn tấn…
Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong nước và các nước trên thế giới khiến việc sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất bị hạn chế, dẫn đến giá tăng liên tục.
Thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa như tăng cường kiểm tra, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng có dịch của Việt Nam.
Trung Quốc cũng tiếp tục quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa khiến thời gian thông quan hàng hóa kéo dài tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản trong nước còn hạn chế. Cụ thể, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700 nghìn palet.
Hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường xuất khẩu nhất định.
Số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đưa ra phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19 tại từng tỉnh, thành phố đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường kết nối, phối hợp với các đơn vị Viettel Post, VNPT Post và các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp Grab, GoViet…
Bộ đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử.
Đặc biệt Bộ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương theo mùa vụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử trong tình hình dịch COVID -19.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh có biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16, Bộ sẽ hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn.
Đồng thời rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực và thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng "luồng xanh", "vùng xanh" cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn.