Chuẩn bị phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho kịch bản xấu hơn
Theo Bộ Công Thương, 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước; thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì mục tiêu kép và duy trì hoạt động xuất khẩu, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu tăng 4 - 5% so với năm 2020.
Về việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết Cục sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương, nhất là nông thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo kế hoạch, Cục sẽ xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm theo nhóm hàng, kết nối các nhà xuất nhập khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục cho biết Cục phối hợp với 6 sàn thương mại điện tử lớn để đẩy mạnh triển khai thương mại nông sản.
Do đó, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng việc tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại khá chủ động. Tuy nhiên, vấn đề logistic và điểm tập kết hàng hóa vẫn chưa thực sự thông suốt, nhất là tại Hà Nội và TP HCM.
Cục sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung hướng dẫn các hợp tác xã tại các tỉnh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử và truyền thông đa kênh.
Về lĩnh vực sản xuất, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết trong 6 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp chưa bị tác động mạnh bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4, giá trị toàn ngành tăng 11,5%, trong đó chế biến chế tạo tăng 11,5%.
Tuy nhiên, đến tháng 7 tình hình sản xuất công nghiệp căng thẳng hơn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Để duy trì sản xuất ở các doanh nghiệp, tránh xảy ra các đứt gãy sản xuất, tiêm vắc xin sớm vẫn là giải pháp cần thiết lúc này.
Về xuất khẩu, thống kê của Bộ Công Thương trong 7 tháng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 185 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu lạc quan, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng.
Bộ dự báo hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều dư địa để tăng trưởng, khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường sẽ tác động đến cả hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định cần chuẩn bị phương án cho những tình huống xấu hơn.
Theo đó, Vụ Thị trường trong nước sẽ làm đầu mối của tổ công tác tiền phương ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh.
"Trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Đối với sản xuất công nghiệp, Cục Công nghiệp đứng ra làm đầu mối, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nắm bắt được những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất… Từ đó có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.
Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, Cục Xúc tiến thương mại cần có những biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách ở thị trường trong nước, trong đó chú trọng kênh thương mại điện, sau đó mới tìm các giải pháp xúc tiến xuất khẩu.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ bám sát và thông tin về thị trường xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nông sản.
"Bộ Công Thương phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở những địa phương đang có dịch. Đồng thời đảm bảo sản xuất công nghiệp, nhất là trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ cũng có nhiệm vụ duy trì đà tăng của hoạt động xuất nhập khẩu", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.