Thành lập doanh nghiệp tại UAE: Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo đó, UAE đã điều chỉnh một số những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của Doanh nghiệp FDI tại UAE.
Một số những quy định mới quan trọng có thể kể tới:
- Đối với công ty TNHH thành lập ngoài khu thương mại tự do, theo quy định mới nhất của UAE có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, chủ đầu tư nước ngoài sẽ đều được sở hữu 100% vốn đầu tư (trước đây, chủ đầu tư chỉ được sở hữu cao nhất 49% vốn đầu tư, ít nhất 51% vốn phải được đứng tên của cá nhân hoặc doanh nghiệp là người bản địa).
Theo thông báo của Chính phủ UAE, danh sách sẽ có 122 loại hình kinh doanh được sở hữu 100% vốn đầu tư.
Danh sách này bao gồm các lĩnh vực chính như nông nghiệp, sản xuất, kho bãi, các dịch vụ và thực phẩm, thông tin truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục, nghệ thuật, giải trí, xây dựng.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực quan trọng và chiến lược của UAE sẽ không nằm trong danh sách này bao gồm các lĩnh vực như dầu khí, thuốc nổ, vận tải hoặc các doanh nghiệp, tổ chức thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
- Sau khi IPO, các doanh nghiệp có thể bán cổ phần ra công chúng tối đa là 70% cổ phần. Trước đó, theo Luật năm 2015, số cổ phần được bán ra tối đa chỉ là 30%.
- Tại các cuộc họp của Doanh nghiệp sẽ không còn cần sự chủ trì và hiện diện của người bản địa mà hoàn toàn do chủ đầu tư nước ngoài có thể điều hành, quản lý.
Hiện nay, tại UAE, có hai khu vực có thể thành lập doanh nghiệp đầu tư nước ngoài:
(i) Bên ngoài Khu Thương mại Tự do (Free Trade Zones - FTZ) hay còn được biết tới là trong nội địa UAE.
(ii) Bên trong FTZ.
Các doanh nghiệp thành lập bên ngoài FTZ thì sẽ được phép kinh doanh, làm ăn, buôn bán vào trong nội địa của UAE, với mức thuế xuất nhập khẩu cũng như các loại thuế khác theo quy định của Nhà nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp thành lập trong FTZ sẽ không được phép hoạt động kinh doanh với các công ty bên ngoài khu vực khi chưa được sự cho phép.