Thanh khoản bớt dồi dào, tỷ lệ CASA của 19 ngân hàng sụt giảm sau 9 tháng đầu năm
"Thanh khoản thị trường không còn dồi dào, khách hàng tối ưu sử dụng những nguồn tiền rảnh rỗi cho hoạt động đầu tư khiến CASA của toàn ngành ngân hàng đều giảm và Techcombank cũng không ngoại lệ," ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp chia sẻ tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.
Techcombank hiện là quán quân về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, số liệu cho thấy tỷ lệ CASA của ngân hàng đã liên tục giảm trong hai quý vừa qua, từ mức 50,5% hồi đầu năm, xuống còn 47,5% trong quý II và về 46,5% trong quý IIII.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Techcombank cho biết hiện nay toàn thị trường đều có thanh khoản không dồi dào, dẫn đến huy động có kỳ hạn tăng lên và CASA giảm đi. Chi phí huy động của ngân hàng không tránh khỏi tăng từ 2,1% lên 2,4% trong quý III.
Tỷ lệ CASA của Techcombank tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn nằm trong mức cao trong hệ thống, giúp ngân hàng giảm bớt ảnh hưởng từ chi phí huy động có kỳ hạn và các phần khác tăng lên.
Không chỉ Techcombank, thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố BCTC quý III/2022 cho thấy, 18 ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 9 tháng đầu năm. Tỷ lệ CASA bình quân giảm 0,8 điểm % từ mức 17,8% hồi đầu năm xuống còn 16,9%.
Tương tự với VietABank, tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2,4% trong 9 tháng, trong khi tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh 51%. Tỷ lệ CASA của ngân hàng, theo đó, giảm từ 11,9% xuống còn 5,9% cuối quý III/2022, tương đương giảm 5,9 điểm %. TPBank cũng ghi nhận mức giảm điểm tương tự ở tỷ lệ CASA cuối quý III.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA giảm trong 9 tháng bao gồm Techcombank và MB cùng giảm 4 điểm %, LienVietPostBank giảm 3,8 điểm %, Saigonbank giảm 3,1 điểm %, VPBank giảm 3 điểm %,...
Trong nhóm thống kê, có đến 12 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA dưới 10%, trong đó, VietBank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở thấp nhất ở mức 4,9%. Ngân hàng Bản Việt và VietABank đứng kế trên với tỷ lệ CASA cùng ở mức 5,9%.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức thấp có thể kể đến như LienVietPostbank (6,3%), NamABank và BacABank (6,9%), BaoViet Bank (7,6%), SHB (8%),…
Báo cáo mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng tốc độ tăng trưởng CASA chậm lại hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi đổ về kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất liên tục tăng. Tỷ lệ CASA của ngân hàng dự báo cũng khó tăng trở lại khi người dân lựa chọn gửi tiết kiệm.
Thực tế, lãi suất huy động liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng cũng đã thông báo điều chỉnh lãi suất huy động thêm khoảng 1 điểm % tại nhiều kỳ hạn có thể kể đến như Sacombank, VIB, LienVietPostBank, SeABank,...
Ngày 27/10, ba ngân hàng TMCP Nhà nước là BIDV, VietinBank và Agribank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm hơn 1 điểm % tại hầu hết kỳ hạn, nâng mức lãi suất cao nhất lên 7,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tại quầy ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, tăng thêm 1 điểm % so với trước đó.
Trước bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi trên tài khoản thanh toán - CASA), trong đó có hai ngân hàng lớn tăng loại lãi suất này lên mức kịch trần 1%/năm là Techcombank và VPBank.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng đẩy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên kịch trần có thể kể đến SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB, NamABank, BacABank, MSB…
Theo Chứng khoán VietinBank (CTS), hiện tại, lãi suất VND trên thi trường liên ngân hàng đang duy trì ở mức cao kỷ lục, tình trạng thanh khoản eo hẹp. NHNN hút ròng nội tệ kể từ đầu năm với lượng hút ròng rất lớn.
Với thực trạng đó, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tại thị trường 1 (thị trường cư dân/doanh nghiệp) để bổ sung thanh khoản. Lãi suất thị trường 1 chứng kiến đà tăng mạnh trong thời gian qua.
Để chuẩn bị cho room tín dụng năm sau, nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và thị trường 2 để chuẩn bị vốn cho giải ngân tín dụng năm 2023.
CTS nhận định NHNN sẽ rất thận trọng nới room tín dụng trong năm 2023, nhằm tránh cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường 1 nếu tình hình tỷ giá vẫn còn căng thẳng dưới áp lực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Lãi suất huy động trên thị trường 1 và lãi suất phát hành giấy tờ có giá sẽ chứng kiến đà tăng mạnh trong quý IV/2022.