|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người dân rút bớt tiền nhàn rỗi ra khỏi ngân hàng, CASA nhiều nhà băng quay đầu giảm trong quý II

08:00 | 10/08/2022
Chia sẻ
Trong quý II, xu hướng sụt giảm tỷ lệ CASA không chỉ diễn ra ở những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, mà còn cả với những ngân hàng có lợi thế về việc huy động vốn rẻ.

Cuối quý II/2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại nhiều ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu đi xuống khi người dân có xu hướng rút bớt tiền nhàn rỗi ra khỏi ngân hàng.

Quán quân CASA Techcombank ghi nhận tỷ lệ này sụt giảm từ mức kỷ lục 50% vào quý I xuống còn 47,5% vào cuối quý II/2022. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân tại ngân hàng giảm 12% so với cuối quý I, từ 108.000 tỷ đồng xuống 95.000 tỷ đồng kéo theo tổng tiền gửi không kỳ hạn giảm từ 329.000 tỷ đồng vào cuối quý I xuống còn 322.000 tỷ đồng cuối quý II. 

Lý giải về điều này, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank, ông Ngô Hoàng Hà cho biết có một xu hướng là hết đại dịch, khách hàng chuyển từ nắm giữ tiền mặt sang đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng nhu cầu về tiêu dùng cá nhân.

Đặc biệt, trước rủi ro lạm phát, ông Hà cho biết nhiều khách hàng có thu nhập cao sẽ mua bất động sản để tránh giảm giá trị đồng tiền, điều này dẫn đến số dư CASA của khách hàng cá nhân giảm. 

Đồng quan điểm, Giám đốc cao cấp Phát triển và Quản lý hợp kênh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sau COVID-19, đặc biệt là sau tháng 4 khi các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, một lượng lớn các nhu cầu về tài chính của khách hàng đặc biệt là nhu cầu về đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản đã được triển khai rất mạnh mẽ.

Theo đánh giá của Techcombank dựa theo các phân tích dữ liệu, tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là tạm thời. Với sự am hiểu về các dòng tiền vào và dòng tiền ra, ngân hàng đã đưa ra những hành động ngay lập tức và dự kiến sẽ đạt được chỉ số 50% về tỷ lệ CASA vào cuối năm nay. 

Tương tự tại Vietcombank, CASA của ngân hàng giảm 0,9 điểm % về mức 35,4% vào cuối quý II. Song, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đây chỉ là mức sụt giảm nhẹ và mang tính thời điểm do các ngân hàng hết hạn mức tín dụng dẫn tới khách hàng quản trị chặt chẽ hơn nguồn tiền mặt cũng như gia tăng cho vay mượn lẫn nhau để tối ưu hiệu quả.

Chuyên gia cho rằng với vị thế hàng đầu thì Vietcombank có thể tăng trưởng CASA tích cực trong thời gian tới khi đã thực hiện chính sách miễn phí chuyển khoản cũng như miễn phí quản lý tài khoản.

Không ngoại lệ, tỷ lệ CASA của ACB cũng giảm 2 điểm % về gần 25% vào cuối quý II với số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngày 30/6/2022 là 94.660 tỷ đồng. Tại MSB, tỷ lệ CASA cuối quý II giảm khoảng 1,4 điểm % so với quý I nhưng vẫn cao hơn thời điểm cuối năm 2021.  

Trong TOP 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất, chỉ riêng MB có xu hướng ngược lại khi tỷ lệ CASA quý II tăng nhẹ 0,7% so với quý trước đó, lên mức 45,5%.  BVSC cho rằng MB đã tạo ra sự khác biệt so với các ngân hàng niêm yết khác khi là ngân hàng có sự gia tăng CASA trong khi các ngân hàng khác đều có sự suy giảm CASA.

Theo đó, sự gia tăng CASA của MB nhờ ngân hàng có tập khách hàng chất lượng cũng như đã gia tăng được khách hàng nhanh chóng. Cuối quý II, lượng khách hàng sử dụng ứng dụng MB đã lên tới 12,9 triệu người tăng 17,3% so với cuối quý I và 228% so với cùng kỳ.

Chuyên gia cho rằng với việc MB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chương trình miễn phí chuyển khoản và những chương trình marketing sẽ giúp cho MB tiếp tục thu thút được ngày càng nhiều khách hàng sử dụng tài khoản MB làm tài khoản giao dịch chính và từ đó tiếp tục duy trì được vị thế CASA của ngân hàng.

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Xu hướng sụt giảm tỷ lệ CASA cũng diễn ra ở những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa. Điển hình là Kienlongbank với tỷ lệ CASA giảm mạnh từ 24,8% trong quý I xuống còn 9,1% cuối quý II. Đây cũng là một trong những ngân hàng có CASA giảm mạnh nhất và nằm ở mức thấp trong nhóm thống kê.

Tính tới 30/6/2022, số dư tiền gửi khách hàng giảm gần 16% so với đầu năm, xuống còn 43.219 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh 50,9%, xuống còn gần 3.900 tỷ đồng. 

Các ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA giảm so với quý liền kề có thể kể đến như SHB, OCB, LienVietPostBank,...

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MB, MSB, TPBank… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.  

 Tỷ lệ CASA của một số ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2022. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Phương Nga