|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãnh đạo Techcombank lý giải nguyên nhân tỷ lệ CASA giảm trong hai quý liên tiếp

20:21 | 24/10/2022
Chia sẻ
Lãnh đạo Techcombank cho biết thanh khoản thị trường không dồi dào khiến CASA của cả ngành ngân hàng đều giảm và Techcombank cũng không ngoại lệ.

Số liệu được đưa ra tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho thấy tỷ lệ CASA của ngân hàng trong quý III tiếp tục giảm 1 % so với quý trước xuống còn 46,5%.

Lý giải về điều này, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp, ông Ngô Hoàng Hà cho biết hiện nay toàn thị trường đều có thanh khoản không dồi dào, dẫn đến huy động có kỳ hạn tăng lên và CASA giảm đi. Chi phí huy động của ngân hàng không tránh khỏi tăng từ 2,1% lên 2,4% trong quý III.

Tỷ lệ CASA của Techcombank ở mức 46,5%, tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn nằm trong mức cao, giúp ngân hàng giảm bớt ảnh hưởng từ chi phí huy động có kỳ hạn và các phần khác tăng lên.

Đồng quan điểm, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh thị trường và kinh tế vĩ mô như hiện nay, thanh khoản không dồi dào như trước đây. Khi đó, khách hàng sẽ tối ưu sử dụng những nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh và đầu tư, tức là sử dụng nguồn tiền gửi trong ngân hàng cho các hoạt động đầu tư.

Do đó, CASA của cả ngành ngân hàng đều giảm, Techcombank cũng không ngoại lệ. Tỷ lệ CASA của Techcombank giảm 1% so với quý trước. Tuy nhiên, ngân hàng cho rằng đó là sự thay đổi của thị trường, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn.

Trong năm 2022, tăng trưởng về tín dụng cao hơn gần gấp đôi so với tăng trưởng huy động, đồng thời NHNN cũng thực hiện bán dự trữ ngoại hối nhằm quản lý tỷ giá. Do đó, thanh khoản trên thị trường sẽ bớt dồi dào hơn năm 2021. Tỷ lệ CASA của hệ thống sau khi đạt đỉnh 22% vào tháng 4 thì đã giảm xuống còn 20% vào tháng 10/2022.

Thanh khoản không dồi dào sẽ ảnh hưởng tới lãi suất, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng lên gần 7-8% trong tháng 10, tuy nhiên sau khi NHNN điều tiết, lãi suất đã ổn định lại ở mức 5%.

NHNN cũng đã tăng trần lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 6 tháng dẫn đến chi phí huy động toàn hệ thống tăng lên, trong khi đó lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động khiến NIM của hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. 

 Nguồn: Techcombank.

Về mặt dài hạn, chiến lược của Techcombank đặt mục tiêu cụ thể tỷ lệ CASA trên huy động đạt 55% và ngân hàng vẫn đang đều đặn thực hiện các hoạt động khác nhau để thúc đẩy mạnh mẽ tỷ lệ này trong dài hạn.

Mặc dù CASA của ngân hàng giảm nhẹ, giao dịch của Techcombank với khách hàng vẫn tăng trưởng tốt. Trong 9 tháng đầu năm, lượng giao dịch ngân hàng số của Techcombank tăng 33% đối với khách hàng cá nhân và 30% đối với khách hàng doanh nghiệp.

Điều này cho thấy khách hàng vẫn dùng Techcombank nhiều hơn cho các hoạt động hàng ngày, bất kể cho phục vụ nhu cầu cuộc sống hay trong kinh doanh. “Chúng tôi tin tưởng những điều này là con số ghi nhận những thành tựu mà Techcombank đã đạt được. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng những hành động mà Techcombank đang thực hiện sẽ thúc đẩy tỷ lệ CASA của ngân hàng lên tầm cao mới," ông Hưng khẳng định.

Chia sẻ rộng hơn về tình hình thanh khoản, ông Hưng cho biết các nền kinh tế vĩ mô trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng,…Các NHTW cũng đã áp dụng tiền tệ theo chính sách thắt chặt.

Tại Việt Nam, Chính phủ và NHNN đã rất khéo léo trong việc áp dụng các công cụ khác nhau như kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tăng lãi suất hay sử dụng dự trữ ngoại hối để kiểm soát lạm phát tại Việt Nam. Thực tế, đến thời điểm này, lạm phát ở Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt, đi cùng với đó là kinh tế vĩ mô tăng trưởng ấn tượng.

Trong ngắn hạn, tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục chặt chẽ và không dối dào như trước đây. Chúng ta sẽ hoạt động trong môi trường lãi suất tăng cao hơn so với những năm trước, chi phí huy động cũng sẽ gia tăng.

“Nhưng có một điều đáng chú ý về nguồn vốn của Techcombank với tỷ lệ CASA cao cũng là một thế mạnh, đặc biệt điều này sẽ phát huy tác dụng khi chúng ta đi qua những khó khăn của thị trường như thời gian này.

Có nghĩa rằng Techcombank sẽ tiếp tục có thế mạnh cạnh tranh là tỷ lệ CASA cao và chi phí huy động vốn ở mức thấp so với thị trường. Ngân hàng sẽ tiếp tục củng cố và gia tăng thế mạnh này bởi vì mục tiêu của Techcombank không chỉ đạt được tỷ lệ CASA ở mức như hiện nay mà phải đạt được ít nhất là 55% và cao hơn như vậy,” lãnh đạo Techcombank cho biết thêm. 

Phương Nga