|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với nhiều dấu ấn tích cực

21:30 | 20/10/2022
Chia sẻ
Ngày 20/10, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục ở vị thế đầu ngành, đạt 46,5%.

 Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam. (Ảnh: Techcombank).

Theo đó, tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 671.400 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng.

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 222.400 tỷ đồng, chiếm 49,0% danh mục tín dụng của Ngân hàng (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ 2021); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cuối quý 3 năm 2021, đạt 70.700 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161.000 tỷ đồng, chiếm 35,5% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng và giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý III/2021 và mức 37,7% của quý II/2022.

Tổng tiền gửi tại ngày 30/9 là 318.900 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt mức 46,5%, vẫn ở vị thế đầu ngành, dù có giảm nhẹ so với mức 47,5% cuối quý II/2022, trong bối cảnh chung toàn ngành khi thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi NHNN và chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá từ đầu năm đến nay.

Các mảng hoạt động lõi đều tăng trưởng tích cực. Thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh, đóng góp chính nâng tổng thu nhập hoạt động lên 31.500 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó thu nhập từ lãi đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ; Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 32,5% so với cùng kỳ, đạt 6.900 tỷ đồng.

Trong quý III, chi phí hoạt động của Techcombank tăng 20,9% so với cùng kỳ, đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 29,9% - nằm trong top các ngân hàng có CIR tốt nhất. Chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ do Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào Số hóa, Dữ liệu và Nhân tài, theo đúng chiến lược đã đề ra.

Chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1,2 nghìn tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục được cải thiện cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Nhờ những kết quả trên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các chỉ số an toàn được nâng cao

Tại thời điểm 30/9/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 27,4%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định mới tại Thông tư 22 (sửa đổi) của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/10/2022.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,7% cuối quý III năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và tăng 68 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

Về chất lượng nợ, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9 của Techcombank ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, đạt 165,0%, phản ánh chất lượng tín dụng ổn định của Ngân hàng.

Ngày 7/9/2022, Moody’s đã nâng Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn của Techcombank’s từ Ba2 lên Ba1 và xếp hạng tiền gửi dài hạn từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng “Ổn định”. Moody's cũng nâng hạng đối với Đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của Ngân hàng từ mức ba3 lên ba2.

Techcombank hiện cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có BCA đạt mức ba2. Theo phân tích của Moody’s, Techcombank hiện tại là ngân hàng có mức độ uy tín cao nhất trong số các Ngân hàng tại Việt Nam, với các điểm mạnh nổi bật về vốn và khả năng sinh lời.

Ngoài ra, nhờ đầu tư mạnh vào số hóa và ra mắt chương trình riêng cho khách hàng trẻ, trong quý 3, Techcombank cho biết đã thu hút thêm hơn 300.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 10,4 triệu.

Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý III/2022 lần lượt đạt 205,4 triệu giao dịch (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,5 triệu tỷ đồng (tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Bích Thu

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.