Tháng Tết Nguyên đán, xuất khẩu nông sản giảm 5%
Xuất khẩu nông sản đầu tháng 1 chưa khởi sắc (Nguồn IT) |
Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản trong tháng 1 đạt gần 1,18 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo chưa hồi phục
Xuất khẩu gạo trong tháng 1 tiếp tục giảm 31% xuống 337 nghìn tấn, tương đương kim ngạch giảm 33% xuống 144 triệu USD.
Theo Hiệp hội lương thực (VFA), thị trường gạo trong nước đang đứng trước nỗi lo ngay từ đầu năm khi nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước yếu, giá gạo giảm, nhiều bạn hàng truyền thống cũng tăng cường tự túc lương thực.
VFA cũng dự báo tồn kho gạo toàn cầu cũng lên mức cao nhất từ năm 2001 đến năm nay. Đáng chú ý, lượng gạo tồn kho ở các nước xuất khẩu chính giảm đáng kể, trong khi tăng ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo.
Trong khi đó, các nước khu vực ASEAN, như Philippines, Malaysia, Indonesia đã giảm nhập khẩu gạo Việt Nam từ năm 2016, với lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ đạt 10% trong năm 2016.
Với tình hình hiện nay, VFA dự báo Việt Nam sẽ chỉ xuất khẩu được 5 triệu tấn gạo trong năm nay. Đồng thời, VFA cũng đề nghị Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân để ổn định giá thị trường, đảm bảo mức lãi tối thiểu cho nông dân.
Xuất khẩu điều và hồ tiêu giảm
Ngoài gạo, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực khác cũng giảm cả lượng và kim ngạch trong tháng 1. Xuất khẩu hạt điều giảm 28% xuống 18 nghìn tấn, tương đương kim ngạch giảm 13% xuống 164 nghìn USD.
Hiệp hội hồ Tiêu Việt Nam dự báo, ngành tiêu năm nay sẽ còn gặp khó khăn hơn năm trước khi vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thị trường tập trung soi xét cẩn trọng hơn nhiều lần; đặc biệt ở các thị trường mà hạt tiêu Việt Nam đang chiếm thị phần lớn như Mỹ và Châu Âu. |
Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt tiêu chỉ đạt 8 nghìn tấn, (giảm 13%), với kim ngạch là 62 triệu USD (giảm 31%).
Đối với mặt hàng chè, xuất khẩu đạt 9 nghìn tấn (giảm 15%), tương đương kim ngạch đạt 12 triệu USD (giảm 20%).
Ngoài ra, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 243 nghìn tấn (giảm 38%) và kim ngạch đạt 60 triệu USD (giảm 44%)
Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản khác vẫn tăng
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản khác trong tháng 1 vẫn trên đà tăng.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 16% lên 233 triệu USD. Hàng rau quả chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 174 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Mỹ (8 triệu USD), Nhật Bản (6 triệu USD).
Thời gian gần đây, một số mặt hàng rau quả của Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật để xuất khẩu sang 4 thị trường mới. Trong đó, có xoài đi Úc, thanh long đi Đài Loan, nhãn và vải đi Thái Lan. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục cần thiết để mở cửa thêm nhiều thị trường mới cho trái cây Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cao su trong tháng mặc dù chỉ tăng 2% lên 94 nghìn tấn nhưng tăng tới 73% lên 181 triệu USD. Mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc với 127 triệu USD (tăng 31%).
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 140 nghìn tấn (giảm 21%) tương đương với 317 triệu USD (tăng 4%). Cà phê chủ yếu được xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu với kim ngạch đạt 152 triệu USD (tăng 9%).
Tuy kim ngạch xuất khẩu rau quả và cao su tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do có nhiều mặt hàng xuất khẩu khác cùng giảm, nên kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành sụt giảm 5% so với cùng kỳ năm trước như đã nêu ở trên.