Tham vọng từ lọ nước mắm đến thị trường tiền tệ, Masan 'dắt túi' 170 triệu USD năm 2018?
Mua 25% cổ phần công ty con của Masan Consumer, Jinju Ham kỳ vọng điều gì? | |
Hệ sinh thái ngân hàng nhìn từ mối quan hệ Techcombank - Vingroup - Vietnam Airlines |
Thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng trưởng, lãi ròng hợp nhất gần 4.000 tỷ đồng
Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), doanh thu hợp nhất năm 2018 của CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) có thể đạt 41.747 tỷ đồng, tăng 11% so với 2017. Biên lợi nhuận giả định tương đương là 31% và lợi nhuận từ các công ty liên kết đạt 2.116 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 3.971 tỷ đồng (khoảng 172 triệu USD), tăng trưởng 28%.
Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Masan là kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng. Theo đó, đóng góp của Masan Nutri-Science (MNS) trong những năm qua chiếm tỷ trọng lớn nhất. Mặc dù trong năm 2017, MNS chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng giá heo nhưng tỷ lệ đóng góp của MNS vẫn chiếm 50% tổng doanh thu. Bước sang năm 2018, tập đoàn dự kiến sẽ tập trung đẩy mạnh lĩnh vực hàng tiêu dùng nhờ cho ra mắt các sản phẩm mới, hạn chế mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ MNS.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng |
Theo báo cáo của Kantar World Panel, trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có sự chững lại ở khu vực thành thị trong khi tốc độ tăng tại khu vực nông thôn vẫn tích cực. Nhìn chung trong năm 2018, thị trường FMCG được dự đoán sẽ tăng trưởng 5%.
Nhóm sản phẩm chủ lực của MCH là gia vị và thực phẩm tiện lợi, chiếm lần lượt 47% và 26% vào tổng doanh thu của MCH. Trong quý I/2018, ngành gia vị ghi nhận doanh thu đạt 1.654 tỷ đồng, thực phẩm tiện lợi đạt 922 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 65% và 52%.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng |
CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hàng gia vị (nước mắm, nước tương và tương ớt). Cho cả năm 2018, doanh thu ngành gia vị của MCH có thể sẽ tăng trên 15% nhờ kế hoạch tung ra các sản phẩm gia vị hoàn toàn mới như dầu hào Chin-Su, Sốt Chin-Su TomaCheese, sốt nấu và hạt nêm.
Quý I/2018, nhóm đồ uống không cồn của MCH ghi nhận đạt 484 tỷ đồng, tăng 32% cùng kỳ và đóng góp lớn thứ 3 trong tổng doanh thu (chiếm 14%). Ngoài ra, doanh thu thịt chế biến tăng trưởng 46% so với cùng kỳ nhờ tung ra sản phẩm mới “Heo cao bồi 3 phút” và kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực sau khi Masan kết hợp với Công ty Jinju Ham – đơn vị sản xuất thịt chế biến hàng đầu Hàn Quốc.
Thị phần thức ăn chăn nuôi đạt 51%
Bắt đầu từ giữa năm 2017, diễn biến giá heo trở nên tiêu cực khi giảm sâu từ mức 45.000 đồng/kg xuống chỉ còn 30.000 đồng/kg trong cuối tháng 3/2018 (tại Miền Nam) khiến các hộ dân giảm hoặc treo đàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của MNS.
Trong quý I/2018, doanh thu MNS ghi nhận đạt 3.201 tỷ đồng, giảm 40%. Tuy nhiên quý II giá heo đã có sự phục hồi trở lại do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng. Dự báo quý III, giá heo giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức cao, trung bình từ 46.000 – 48.000 đồng/kg.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng |
Thị phần thức ăn chăn nuôi của MNS đã đạt 35% toàn ngành. Vì vậy, trong năm 2018, với việc giá heo có sự hồi phục, nhu cầu thức ăn chăn nuôi phân khúc tầm trung “Bio-zeem Xanh” và phân khúc cao cấp “Biozeem Đỏ” sẽ gia tăng, góp phần đưa thị phần MNS cuối năm 2018 dự kiến sẽ tăng lên 51%.
Bên cạnh đó, công ty hiện đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo kỹ thuật cao đồng thời đang tiến hành xây dựng tổ hợp chế biến tại Hà Nam với công suất 850.000 heo thịt mỗi năm, dự kiến trong quý IV/2018, công ty sẽ tung ra thị trường sản phẩm thịt mát có thương hiệu đầu tiên.
Sản xuất Vonfram dòng trung và cao cấp lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc
Tài sản chính của CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources - Mã: MSR) là Mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên được đánh giá là một trong những mỏ Vonfram lớn nhất thế giới, trữ lượng quặng tiềm năng được chứng minh là 66 triệu tấn. Trong khi đó, Vonfram là kim loại ứng dụng quan trọng trong ngành công nghệ, điện tử, năng lượng, tái tạo,...
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng |
Theo PHS, nhu cầu Vonfram đang rất lớn trong khi nguồn cung khá eo hẹp (Trung Quốc thống trị thị trường Vonfram thế giới với hơn 80% sản lượng). Tuy nhiên, sản phẩm Vonfram tại quốc gia này đang giảm cả về lượng và chất sau khi Chính Phủ thực hiện thắt chặt nguồn cung nhằm kiểm soát môi trường.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng |
Vì vậy, đã có gần 30 – 40% đơn hàng đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam (thị phần Vonfram ngoài Trung Quốc đang dẫn đầu bởi MSR với tỷ lệ 30%). Giá Vonfram thế giới sau đó tăng mạnh và hiện vượt ngưỡng 400 USD/mtu.
Nhờ vậy, doanh thu MSR qua các năm tăng trưởng với tốc độ tăng 31%/năm (giai đoạn 2015-2017).
MSR cũng lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động khai thác để nâng tỷ lệ thu hồi Vonfram từ mức 64% trong năm 2017 lên 72% trong năm 2018. Đồng thời, MSR dự kiến tiếp tục nâng công suất nhà máy chế biến Vonfram nhằm tăng năng lực sản xuất từ 6.000 – 6.500 tấn/năm lên 9.000 tấn mỗi năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang ngày càng gia tăng, từ đó tăng thị phần toàn cầu.
Thu nhập hoạt động Techcombank tăng trưởng tích cực, giảm phụ thuộc vào thu nhập lãi
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) là một công ty liên kết của Masan (tỷ lệ sở hữu 14,7%). Theo PHS, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân mỗi năm của TCB đạt 30% trong giai đoạn 2013 - 2017, trong đó tốc độ tăng của thu nhập lãi thuần đạt 20%/năm, tốc độ tăng của thu nhập ngoài lãi đạt 54%/năm. Quý I, công ty ghi nhận thu nhập hoạt động đạt 4.660 tỷ đồng, tăng 27% cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ trọng thu nhập lãi giảm xuống còn 55% thay vào đó công ty tập trung mở rộng thu nhập từ phí dịch vụ.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng |
Nhờ mảng bancassurance phát triển, tư vấn trái phiếu và chi phí hoạt động giảm dần (CIR giảm dần từ 59% trong năm 2013 xuống còn 30% trong năm 2017), lãi ròng đã tăng trưởng gấp đôi trong những năm gần đây. Quý I, Techcombank ghi nhận 2.049 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 93% cùng kỳ, hoàn thành 26% kế hoạch 2018.