Tham vọng kết nối não người với Internet vào năm 2020 của Elon Musk và sự hoài nghi của giới khoa học
Hôm 16/7, Elon Musk thông báo trong một chương trình livestream họp báo trên YouTube rằng Neuralink - công ty công nghệ thần kinh mà ông mới thành lập - muốn cấy thiết bị vào não người từ năm sau, Business Insider đưa tin.
"Chúng tôi hi vọng cấy thiết bị vào một bệnh nhân trước thời điểm cuối cùng của năm sau", Musk phát biểu trong buổi livestream.
Tỉ phú Elon Musk, vị doanh nhân nổi tiếng với những ý tưởng táo bạo, đi trước thời đại. Ảnh: CNBC
Bí mật về bộ não siêu phàm nằm gọn trong một chip
Vị doanh nhân mang biệt danh "Người Sắt" đã đầu tư 100 triệu USD vào Neuralink, công ty bí mật mà ông thành lập vào năm 2016, theo báo New York Times. Công ty đặt trụ sở trong một phòng thí nghiệm ở Đại học California (Mỹ).
Nhiều nhà thần kinh học hàng đầu thế giới đang làm việc cho Neuralink. Musk giải thích rằng hệ thống của Neuralink là một bộ vi xử lí siêu nhỏ (đóng vai trò giao diện giữa não người và máy tính) mà công ty cấy vào não các tình nguyện viên.
Với kích thước xấp xỉ 4 x 4 mm, bộ vi xử lí cho phép con người cộng sinh với trí tuệ nhân tạo. Nó có khả năng kích thích các tế bào thần kinh trong não người nhờ những sợi điện cực.
Elon Musk khẳng định con chip mà Neuralink phát minh sẽ giúp não người giao tiếp với máy tính và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: steemit.com
Một robot có khả năng thao tác với độ chính xác tuyệt đối sẽ cấy những sợi điện cực vào não người. Elon Musk khẳng định quá trình cấy sợi điện cực vào não sẽ an toàn và không gây đau đớn cho con người.
"Nó không giống như một cuộc đại phẫu, mà chỉ giống một cuộc tiểu phẫu LASIK", ông giải thích, đồng thời khẳng định công ty cần một khoảng thời gian để FDA phê chuẩn công nghệ mới.
Lợi ích lớn nhất của công nghệ kết nối não người với trí tuệ nhân tạo, theo Musk, là điều trị các chứng rối loạn thần kinh - như bệnh liệt rung hay mất trí nhớ. Ngoài ra, nó cũng có thể giúp con người duy trì và tăng cương khả năng hoạt động của não.
"Bộ vi xử lý của Neuralink hiệu quả gấp 1.000 lần so với các hệ thống kích thích thần kinh bằng điện cực mà loài người đã tạo ra", Musk phát biểu.
Max Hodak, Chủ tịch Neuralink, khẳng định chip vi xử lý của công ty sẽ phát tín hiệu không dây và có thể tồn tại từ vài năm tới vài thập kỉ.
Sự hoài nghi của giới khoa học
Mặc dù một số người ca ngợi nỗ lực tạo ra kết nối giữa não người và máy tính của Musk, nhiều chuyên gia vẫn cảm thấy nghi ngờ về hiệu quả thực sự của nó.
Philipp Heiler, nhà vật lí sáng lập tổ chức Neurofeedback Neuroboost, từng nói với Business Insider năm ngoái rằng công nghệ của Neuralink tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Khi các bác sĩ mở não người để cấy chip, hàng loạt rủi ro sẽ phát sinh, bao gồm nguy cơ tổn thương não, viêm não và gây sẹo. Mọi người nên tự hỏi bản thân về lợi thế của chip đối với những công cụ khác như màn hình cảm ứng hay chương trình hỗ trợ ngôn ngữ Alexa", Heiler bình luận.
Nhà nghiên cứu công nghệ y sinh Thomas Stieglitz, một trong những người không tin công nghệ kết nối não người với máy tính mà Elon Musk đề xuất. Ảnh: Đại học Freiburg
Thomas Stieglitz - một nhà nghiên cứu công nghệ y sinh của Đại học Freiburg (Đức) từng nhận xét rằng những lợi ích của công nghệ mà Neuralink công bố khó có thể trở thành hiện thực.
"Tôi tin rằng các mục tiêu của Neuralink xa rời thực tế. Việc đưa kiến thức từ não tới một nơi khác rồi đưa nó trở về não là bất khả thi. Đây là kịch bản tuyệt vời đối với một phim viễn tưởng, nhưng trên thực tế nó chỉ là ý tưởng ngớ ngẩn", ông lập luận.