Tham vọng giáo dục của tỷ phú Phạm Nhật Vượng Vingroup
VinUni: Sẵn sàng đào tạo nhân lực hội nhập toàn cầu | |
Giáo sư tại ĐH Cornell và Pennsylvania nói gì về hợp tác chiến lược với VinUni |
Vừa khiến dư luận ngạc nhiên trước công bố chuyển toàn bộ hệ thống y tế - giáo dục sang hình thức phi lợi nhuận,Vingroup lại liên tục có những động thái mới gây bất ngờ liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Lấn sâu vào lĩnh vực giáo dục, đầu năm nay Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Đại học Vin University (VinUni), tiếp tục theo hình thức phi lợi nhuận, sẽ chính thức tuyển sinh vào năm 2020. VinUni sẽ đóng vai trò như thế nào trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay? Liệu VinUni sẽ đạt được thành công?
Đại học tư nhân trong Tập đoàn
Theo ông Châu Dương Quang, nghiên cứu sinh Khoa Chính sách Giáo dục và Lãnh đạo tại State University of New York at Albany, xu hướng tập đoàn tư nhân thành lập trường đại học đã diễn ra từ lâu trên thế giới. Có hai dạng tập đoàn tư nhân đứng ra thành lập trường đại học. Thứ nhất là các tập đoàn mà giáo dục là lĩnh vực kinh doanh lớn hoặc duy nhất của họ, như Tập đoàn Apollo Education (sở hữu Đại học Phoenix ở Mỹ, Đại học BPP ở Anh), Tập đoàn Laureate Education (sở hữu hệ thống gồm hàng chục đại học trên hơn 20 quốc gia và đã từng mời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton làm Chủ tịch danh dự)... Hầu hết những đại học thuộc các tập đoàn này tập trung nhiều ở Mỹ và Brazil và là các đại học tư nhân vì lợi nhuận. Một số các tập đoàn này còn được niêm yết tại các sàn chứng khoán lớn trên thế giới.
Thứ hai là các tập đoàn mà khởi điểm không phải giáo dục nhưng sau đó lại nhảy vào lĩnh vực này với tư cách “nghiệp dư” hoặc “bán chuyên”. Hiện tượng này xuất hiện từ lâu ở một số nước Mỹ Latinh, Hàn Quốc và gần đây là Malaysia. Ở Mexico, Đại học Công nghệ Monterry (Monterry Institute of Technology and Higher Education) ra đời và phát triển dưới sự dẫn dắt của Eugenio Garza Sada - ông chủ của một tập đoàn bia là công ty con của Tập đoàn Heineken. Ở Hàn Quốc, quá trình hình thành và phát triển của Đại học Ulsan gắn liền với Tập đoàn Huyndai (tập đoàn đa ngành), còn Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) được thành lập bởi Tập đoàn POSCO (tập đoàn thép lớn nhất Hàn Quốc và thứ tư thế giới).
Cũng là một tập đoàn đa ngành, đầu tư bất động sản, bán lẻ và công nghiệp ô tô, VinGroup có vẻ đang đi theo xu hướng này của thế giới. Trên thế giới, nhìn chung, những đại học được thành lập do các tập đoàn không chuyên về giáo dục có vẻ thành công và đều là những đại học có uy tín trong nước. Đặc biệt, Đại học POSTECH là một trong những đại học trẻ (dưới 50 tuổi) được xếp hạng tốt nhất thế giới. Một số các đại học do các tập đoàn kinh tế tư nhân thành lập có tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận, như Đại học Ulsan, Đại học POSTECH và Đại học Công nghệ Monterry, Đại học Bond. Còn Đại học Berjaya không tuyên bố rõ ràng là hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.
Tuy vậy, không phải tất cả các tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận đều xuất phát từ sự lựa chọn tự nguyện của các đại học này, mà có khi là vì luật không cho phép hoạt động vì lợi nhuận. Ở Hàn Quốc, tất cả các đại học tư thục, theo luật, đều là đại học không vì lợi nhuận - mặc dù trên thực tế, các đại học này có thể có nhiều cách để kinh doanh. Ở Mexico, mặc dù hiện nay tồn tại cả hai loại hình hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, nhưng tại thời điểm mà Đại học Công nghệ Monterry được thành lập (hơn 70 năm trước), gần như tất cả các đại học tư thục đều hoạt động phi lợi nhuận và Đại học Công nghệ Monterry cũng không ngoại lệ.
Tóm lại, mặc dù có nhiều đại học tư thục do các tập đoàn không chuyên về giáo dục thành lập và cũng có một vài trong số những đại học dạng này tuyên bố hoạt động phi lợi nhuận, nhưng rất hiếm có đại học nào dạng này tuyên bố phi lợi nhuận khi mà luật cho phép tự do chọn lựa, và có những quy định rõ ràng giữa phi lợi nhuận và vì lợi nhuận, như trường hợp của Việt Nam.
Cũng cần nói thêm là trên thực tế, có thể có nhiều trường đại học khác gắn liền với, thậm chí là được thành lập bởi các tập đoàn tư nhân, nhưng trong nhiều trường hợp, các đại học này được tách ra và vận hành như những pháp nhân riêng biệt, nên mối liên hệ với các tập đoàn kinh tế còn chưa được biết đến nhiều.
Mô hình phi lợi nhuận
Từ năm 2005, Chính phủ đã chính thức công nhận và pháp điển hóa mô hình trường đại học tư thục, có chủ sở hữu. Nhờ đó, hàng loạt trường đại học tư thục đã ra đời với sự tham gia góp vốn/sở hữu của các tập đoàn tư nhân như FPT, Nguyễn Hoàng, Tân Tạo, Thành Thành Công… Khi Vingroup thành lập trường đại học phi lợi nhuận, nhiều quan tâm nổi lên khi hai phạm trù “tư nhân” và “phi lợi nhuận” có vẻ tương phản nhau. Tuy nhiên, như đã đề cập, điều này đã xuất hiện ở một vài nước trên thế giới, tuy chưa phổ biến đến mức trở thành “xu hướng thế giới”. Mô hình đại học phi lợi nhuận đã có mặt trong văn bản luật Việt Nam cách đây vài năm nhưng cần thời gian để quan sát thêm về mô hình này trong thực tế.
Một trong những đặc điểm nổi bật của loại hình phi lợi nhuận trên thế giới là không có chủ sở hữu. Mặc dù các Đại học Ulsan, POSTECH được thành lập bởi các tập đoàn kinh tế nhưng các tập đoàn này không nắm quyền quản lý, điều hành trường. Thay vào đó, Hội đồng Tín thác được bầu ra để vận hành trường. Tính phi sở hữu này cũng đã được luật hóa ở Việt Nam và rõ ràng đây là một tiêu chí để đánh giá tuyên bố không vì lợi nhuận của VinUni.
Cũng cần nói thêm là so với các đại học vì lợi nhuận, đại học phi lợi nhuận có nhiều lợi thế. Phi lợi nhuận không phải là giảng dạy, đào tạo miễn phí, mà có nghĩa là phần “lợi nhuận” có được từ hoạt động sẽ được giữ lại tái đầu tư cho trường. Ở nước ngoài, những phần lợi nhuận này được đưa vào một quỹ tín thác riêng của trường, được miễn thuế, và từ đó được đem đi đầu tư. Tiền lời từ những khoảng đầu tư này lại được quay về lưu giữ trong quỹ tín thác.
Việc chuyển đổi mô hình trường đại học từ vì lợi nhuận sang phi lợi nhuận đồng nghĩa với việc lãnh đạo trường sẽ chịu thêm một số hạn chế trong việc kiếm tiền và mất một phần quyền tự chủ đối với trường. Tuy nhiên nó lại mang đến một quyền lợi quan trọng: các trường đại học phi lợi nhuận không phải đóng thuế, được nhận nhiều hỗ trợ tài chính, được nhận tiền từ chương trình cho vay học phí của chính phủ. Vì thế, nhiều trường đại học theo mô hình phi lợi nhuận nhưng lại có lợi nhuận rất cao.
“Theo mô hình phi lợi nhuận, mọi hoạt động kinh doanh, vận hành của VinUni vẫn sẽ diễn ra như bình thường, các mức phí vẫn theo thông lệ của thị trường”, bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết. “Điểm khác biệt của VinUni là chúng tôi cam kết sẽ dành toàn bộ 100% lợi nhuận thu được, thay vì chỉ cần trên 51% theo luật hiện hành, cho các hoạt động tái đầu tư để liên tục nâng cấp và phát triển hệ thống, cụ thể là đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trao học bổng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế...”.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Vingroup cho thấy tuyên bố phi lợi nhuận là có cơ sở. Cho đến cuối năm 2017, hệ thống VinSchool có khoảng 11 cơ sở trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học và 2 trường phổ thông liên kết tại các khu dân cư thuộc Vingroup ở Hà Nội và TP.HCM, với hàng chục ngàn học sinh. Dù mảng giáo dục của Vingroup không hề nhỏ, nhưng tỉ trọng của mảng này trong toàn bộ cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn lại không đáng kể.
Đó cũng là lý do mà một trong những báo cáo phân tích về Vingroup của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đã không đưa hoạt động giáo dục vào mô hình định giá. Chiếm tỉ trọng chỉ khoảng 1% tổng doanh thu và tổng lợi nhuận của Tập đoàn trong năm 2017, mảng giáo dục được chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá là dịch vụ cộng thêm (add-on services) cho toàn bộ khu dân cư phức hợp của Vingroup, bên cạnh dịch vụ y tế.
Cần khích lệ đúng hướng
Giáo dục đại học Việt Nam mấy năm gần đây có dấu hiệu chững lại. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục cho thấy số sinh viên tăng rất chậm. Số học sinh phổ thông cũng chưa có dấu hiệu tăng lên trong tương lai gần. Điều này làm cho tình hình tuyển sinh của các trường, cả công lập và tư thục, càng khó khăn hơn. Trong khi đó, Chính phủ vừa có chính sách đẩy mạnh tự chủ tài chính cho các trường công lập, trước mắt là các trường lớn. Theo đó, các trường này được tương đối tự do trong khâu tuyển sinh và cân đối tài chính. Chính sách này càng làm cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, không những giữa trường công với trường tư, mà giữa các trường công với nhau, nhất là các trường công lập ở các thành phố nhỏ hơn.
Sự cạnh tranh đó làm cho bức tranh giáo dục đại học trở nên sôi động hơn. Và thường là khi cạnh tranh diễn ra gay gắt thì chúng ta sẽ thấy có sự sàng lọc và phân cực. Các đại học (cả công lập và tư thục) hoạt động tốt, hiệu quả, có chiến lược thì sẽ vẫn phát triển không những tốt mà còn ngày càng tốt hơn. Ngược lại, các đại học mà quản lý yếu kém, chiến lược thụ động, mờ nhạt thì dần sẽ không tuyển sinh được, luôn ngấp nghé nguy cơ đóng cửa.
Trong tình thế đó, các hoạt động mua bán và sáp nhập trở nên sôi nổi ở mảng đại học tư thục, nhất là sau khi mức vốn điều lệ để mở một trường đại học được đẩy lên mức 1.000 tỉ đồng, không bao gồm giá trị đất xây dựng trường. Các cá nhân, tổ chức, thay vì mở trường mới, nay thường tìm đến mua lại các trường đại học đang thoi thóp để tái cơ cấu. Một số thương vụ mua bán, sáp nhập đại học gần đây có thể kể đến như Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua lại Đại học Hồng Bàng và Đại học Bà Rịa Vũng Tàu, Thành Thành Công (TTC) mua lại Đại học Yersin Đà Lạt, Tập đoàn Hoàn Cầu mua lại Đại học Quang Trung, Đại học Hà Hoa Tiên được chuyển nhượng cho Bộ Công an, Đại học Kinh tế Tài chính được HUTECH mua lại…
Trong “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, TP.HCM được xác định sẽ trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp của vùng, ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, diện tích đất dành cho các trường đại học - cao đẳng của vùng TP.HCM là 13.700 ha, trong đó riêng TP.HCM là 3.000 ha. Đây cũng là một “sức hút” không nhỏ đối với các nhà đầu tư tư nhân. Trong vài năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế không chuyên về giáo dục ở Việt Nam cũng đã xây dựng và phát triển đại học (như Tập đoàn Hà Hoa Tiên, Hoàn Cầu).
Hệ thống đại học Việt Nam hiện đang vận động mạnh, chuyển mình, sàng lọc và rồi phân cực thành những cụm lớn; những đại học công lập phát triển rất tốt, rất lớn tồn tại song song bên cạnh các mô hình giáo dục tư nhân có quy mô lớn. Tuy nhiên, hệ thống trường tư mới chỉ chiếm 19% số trường và 13,5% số sinh viên. Đại học tư ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong tương lai trước nhu cầu của xã hội học tập.
Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá Giáo dục Đại học, các trường tư xuất sắc ở Mỹ đều vận hành dựa trên nguồn vốn xã hội, tức là tài sản hiến tặng của doanh nhân và cựu sinh viên, các tổ chức xã hội, tôn giáo, quỹ phi lợi nhuận. Về bản chất, nó khác với những trường tư hình thành từ nguồn vốn tư nhân như ở Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy những mặt trái của nhiều trường đại học tư nhân tại Việt Nam khi chạy theo lợi nhuận, những lùm xùm trong vấn đề quản trị. Vì thế, theo Tiến sĩ Ly, cần khích lệ những trường tư ở Việt Nam đang đi đúng hướng, năng động trong việc đổi mới, gắn với nhu cầu thực sự của xã hội và tạo ra kết quả, giá trị gia tăng cho người học.
Đại diện của Vingroup cho biết “mong muốn đóng góp cho đất nước một trường đại học có đẳng cấp thế giới, nơi các tài năng của đất nước có thể yên tâm học tập mà không cần phải ra nước ngoài” là động lực thúc đẩy Tập đoàn trực tiếp tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học. Đồng thời, cũng giống như Đại học FPT, sinh viên ra trường sẽ là nguồn nhân lực chính để phục vụ các hoạt động mở rộng của tập đoàn trong tương lai. Mô hình hệ thống giáo dục xuyên suốt từ mẫu giáo đến đại học của Vingroup không những đã tồn tại ở một số nước châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Philippines mà còn đã có mặt ở Việt Nam trong những năm gần đây như Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Á Châu, hay Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã làm.
VinUni có hợp tác với Đại học Cornell và Pennsylvania ở Mỹ, theo đó, 2 đại học danh tiếng này sẽ tư vấn cho Vin University về mô hình, chương trình đào tạo, tuyển giảng viên, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên và kết nối với các nhà tuyển dụng. Ngày nay, hợp tác quốc tế là hướng đi đúng đắn và có thể là con đường tắt cho những đại học mới. Các đại học do các tập đoàn không chuyên về giáo dục thành lập ở Hàn Quốc cũng có chiến lược hợp tác quốc tế ngay từ lúc mới thành lập và họ rất chú trọng vào việc tuyển lựa giảng viên. Quan trọng hơn, đối tác phù hợp không những có kinh nghiệm, đẳng cấp mà còn cần chia sẻ tầm nhìn, sứ mạng và các giá trị chung để cùng phát triển.
Tuy nhiên, tuyên bố sẽ là đại học “đẳng cấp thế giới” của VinUni khá tham vọng, khi ngay cả các đại học công lập của Việt Nam cũng rất rụt rè về vấn đề này. Đại học Bond của Úc, Đại học POSTECH của Hàn Quốc lúc thành lập cũng có tham vọng lớn như vậy và cả hai đều đang đi trên con đường đó. Mặc dù không có một định nghĩa chung về “đẳng cấp thế giới” nhưng tất cả các đại học được thừa nhận đẳng cấp thế giới đều có điểm chung là có hoạt động nghiên cứu mạnh. Lĩnh vực y tế mà Vingroup hiện có và lĩnh vực ô tô mà Vingroup sẽ phát triển trong tương lai gần là hai lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu. Nếu đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu đó thì Vin University cũng có nhiều tiềm năng trở thành Bond và thậm chí là POSTECH của Việt Nam.
Dịch vụ giáo dục chất lượng với cơ sở vật chất tốt hướng đến đối tượng gia đình có thu nhập khá còn dư địa rất lớn. Cùng với sự chuyển mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tạo những tiền đề thuận lợi cho VinUni thành công sau này. “Tôi tin việc Vingroup thành lập trường đại học là một hướng đi đúng và họ sẽ thành công”, Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng kiêm Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam, một trong những trường phi lợi nhuận, bình luận với NCĐT.
Đại học Hoa Sen, RMIT, Fulbright… đã cho thấy tính hiệu quả của đại học tư thục phi lợi nhuận trong việc mang lại những giá trị cao hơn cho nền giáo dục. Các chuyên gia trong ngành giáo dục đều tin rằng Vingroup có nhiều ưu thế trong việc phát triển trường đại học. Tập đoàn có ưu thế rất lớn về nguồn lực tài chính dồi dào và ổn định, là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển một đại học. Dự kiến vốn đầu tư cho giai đoạn 1, tới năm 2030, cho VinUni lên đến 5.000 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng và ký túc xá. Nhờ vào hệ thống VinSchool, trường đại học sẽ có được một nguồn tuyển sinh ổn định. Và với hệ thống đa ngành của Tập đoàn sẽ cho phép sinh viên của VinUni hưởng lợi từ kinh nghiệm thực tập cũng như cơ hội việc làm trong chính tập đoàn.
Vì thế, dù cho giấc mơ “đẳng cấp thế giới” còn có những dấu hỏi, thì ít nhất, VinUni cũng sẽ là một đại học tư thục có tiềm năng phát triển và có thể đóng góp cho nền giáo dục của Việt Nam.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/