|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng đưa VinFast thành hãng xe toàn cầu, Vingroup rót gần 2.000 tỷ đồng cho R&D trong nửa đầu năm

13:25 | 31/08/2021
Chia sẻ
Việc chi tiền cho R&D của Vingroup bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan, hàng loạt sản phẩm ứng dụng công nghệ mới được ra đời.

Cuối tháng 6, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã: VIC) cho hay để chuẩn bị mở bán các dòng xe điện trên thị trường toàn cầu, thời gian qua, VinFast đã tuyển dụng các cựu Giám đốc điều hành cấp cao từ nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Tesla, BMW, Porsche, Toyota và Nissan. Bên cạnh đó, hãng cũng thành lập các chi nhánh trên khắp lãnh thổ nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan.

Trong cuộc họp, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh thị trường trước mắt VinFast muốn tập trung vào đó là Mỹ. Sau khi thành công, VinFast mới phát triển các thị trường khác. 

Ông Vượng Vượng nhẩm tính mỗi năm ở Mỹ sẽ bán khoảng 16 đến 18 triệu xe, nếu VinFast chỉ chiếm 1% thị phần sẽ bán được 160.000 – 180.000 xe. Đến năm 2026, công ty dự kiến bán hàng trăm nghìn xe tại thị trường này.

Khoảng thời gian mà Vingroup đưa ra để VinFast bắt đầu có tên tuổi trên đất Mỹ là 3 – 5 năm và công ty chấp nhận bù lỗ. Riêng đối với thị trường Việt Nam, VinFast đặt mục tiêu bán 45.000 xe điện mỗi năm. Ước tính nếu 300.000 xe bán trên toàn thị trường, khi đó công ty sẽ có 15% thị phần.

Để đạt được điều này, Vingroup sẽ cần chi rất nhiều tiền vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2021, Vingroup đã chi tổng cộng 1.732 tỷ đồng cho R&D trong 6 tháng đầu năm, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Vingroup đẩy mạnh công tác R&D, chi gấp 6,5 lần cùng kỳ, hỗ trợ từ thiện hơn 1.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm - Ảnh 1.

Vingroup đẩy mạnh chi phí nghiên cứu và phát triển. (Nguồn: BCTC hợp nhất giữa niên độ của Vingroup).

Đầu năm nay, công ty cũng bất ngờ thông báo rút khỏi mảng sản xuất smartphone, TV,... để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast.

Công ty cho biết đây là bước đi chiến lược nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới. Đã có 150 tính năng Infotainment do VinSmart phát triển dành riêng cho ô tô VinFast.

Hay như công ty cũng dành tiền đầu tư cho hoạt động R&D các mảng khác gồm: trí tuệ nhân tạo (VinAI), dữ liệu lớn (VinBigdata), an ninh mạng (VinCSS),… Đặc biệt, riêng VinFast đã đẩy mạnh phát triển công nghệ pin và trạm sạc để sử dụng cho các dòng xe điện.

Diễn biến mới nhất, công ty đã vừa trình diễn 3 công nghệ dành cho ô tô thông minh VinFast tại Ngày Trí tuệ Nhân tạo năm 2021 do VinAI tổ chức. Ba công nghệ gồm: Hệ thống giám sát người lái, quan sát toàn cảnh 360 độ và cơ chế tự lái cho xe.

Hay như trước đó, Vingroup đã trình làng một trợ lý ảo tên ViVi, do VinBigdata nghiên cứu, phát triển. Mục đích trang bị ViVi trên VinFast, tương tự Siri, Alexa hay Google Assistant,...

Ngoài R&D, 6 tháng đầu năm nay, Vingroup cũng chi hơn 1.119 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ và từ thiện, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong chương trình gây Quỹ vắc xin ủng hộ công tác phòng chống đại dịch COVID-19 được chính phủ phát động hồi tháng 6, Vingroup đã ủng hộ trực tiếp 480 tỷ đồng.

Việc đẩy mạnh phát triển công tác R&D cũng như các hoạt động từ thiện đã khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của Vingroup tăng lên hơn 8.892 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, mặc dù 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất của Vingroup (chủ yếu là VinFast) đã thu về 9.314 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi cùng kỳ, song vẫn đang chịu lỗ. Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 60.786 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 56%.

Quốc Anh