|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Temu kiện Shein, cáo buộc đối thủ hành xử kiểu Mafia

21:20 | 14/12/2023
Chia sẻ
Temu đang tố "người đồng hương" Shein có nhiều hành vi chơi xấu công ty tại thị trường Mỹ và ngày càng trở nên thái quá.

Theo CNBC, nhà bán lẻ trực tuyến giá rẻ Temu của Trung Quốc đã khởi kiện hãng thời trang nhanh Shein. Cụ thể, Temu cáo buộc Shein vi phạm bản quyền và có hành động “đe doạ kiểu mafia" đối với các nhà cung cấp.

Theo đó, công ty WhaleCo có trụ sở chính tại Boston, hoạt động với tên gọi Temu ở Mỹ, cáo buộc rằng Shein đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty; đẩy các đối tác cung cấp của Temu vào vòng lao lý. Ngoài ra, Temu cho rằng Shein đang tìm cách ngăn chặn sự phát triển của công ở Mỹ bằng nhiều hành vi chơi xấu khác.

“Chúng tôi đã kiện Shein vì gần đây hành động của họ ngày càng leo thang", người phát ngôn của Temu cho biết.

Temu đang là nền tảng TMĐT giá rẻ nổi lên tại thị trường Mỹ. Tương tự, Shein cũng trở nên phổ biến hơn nhờ cung cấp thời trang nhanh giá rẻ. (Ảnh: Seller Cloud).

Vị này cho hay: "Họ đã giam giữ trái phép người bán, sử dụng điện thoại của họ khi chưa có sự đồng ý, đánh cắp tài khoản và mật khẩu người bán của chúng tôi, khai thác bí mật kinh doanh bất hợp pháp. Ngoài ra, họ cũng buộc người bán rời khỏi nền tảng của chúng tôi. Họ thực sự quá đáng, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc khởi kiện."

Phía Shein đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNBC.

Động thái mạnh mẽ này của Temu xảy ra chỉ vài tuần sau khi cả hai bên quyết định hủy bỏ các vụ kiện nhau vào tháng 10 vì lo ngại về bản quyền và chống độc quyền.

Cuối năm ngoái, Shein đã kiện Temu vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đến tháng 7, Temu cáo buộc Shein đã đe dọa và buộc các nhà sản xuất phải thỏa thuận độc quyền.

Hai công ty là những đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến giá rẻ. Temu tập trung bán hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, từ thời trang đến sản phẩm gia dụng, với giá thấp và nhắm đến người tiêu dùng nước ngoài. 

Tương tự, Shein dựa vào các nhà sản xuất có hợp đồng ở Trung Quốc, để thiết kế, sản xuất và vận chuyển các sản phẩm thời trang giá rẻ.

Hồ sơ khởi kiện của Temu nêu: “Mặc dù mô hình kinh doanh của Temu rất khác với cách Shein tập trung vào thời trang nhanh, nhưng kể từ khi Temu ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022, công ty đã bị Shein coi là mối đe dọa lớn nhất. Do đó, trở thành mục tiêu của các hành vi độc hại và bất hợp pháp, cản trở sự thành công của Temu."

Temu là công ty thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc PDD Holdings, công ty mẹ của ứng dụng thương mại điện tử Pinduoduo. Temu là bước đột phá quốc tế đầu tiên của PDD Holdings và ứng dụng này nhanh chóng đạt được thành công đối với nhóm người mua sắm quan tâm đến vấn đề giá cả.

Trong vòng vài tuần kể từ khi ra mắt, Temu đã đứng đầu bảng xếp hạng cửa hàng ứng dụng và sau đó nhanh chóng mở rộng khắp các quốc gia như Australia, New Zealand, Pháp, Italy, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh.

Shein cũng đến từ Trung Quốc và nhanh chóng nổi lên ở thị trường quốc tế nhờ cung cấp đồ thời trang nhanh giá rẻ. Tháng trước, Shein đã bí mật nộp đơn xin IPO tại Mỹ. Trước khi nộp đơn IPO, Shein được định giá khoảng 66 tỷ USD.

Một báo cáo của Ủy ban Hạ viện Mỹ hồi tháng 6 cho rằng Shein và Temu đã lợi dụng lỗ hổng thương mại để nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ mà không phải trả thuế nhập khẩu hoặc thực hiện các đưa hàng vào quốc gia này mà không phải chịu sự giám sát của các tiêu chuẩn nhân quyền.

Thuỳ Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).