[Bài 1] Cách Trung Quốc vươn lên thống trị thị trường mua sắm trực tuyến toàn cầu: Sự nổi lên của Shein, Temu và TikTok Shop
Doanh thu của Yiheng Battery - một công ty có 30 năm kinh nghiệm sản xuất pin nút áo tại Trung Quốc, đã dậm chân tại chỗ kể từ nửa cuối năm ngoái. Sản phẩm của họ được đặt mua bởi các đối tác sản xuất, và được bán trên nền tảng mua sắm 1688. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề.
“Nền kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng như dự đoán và người tiêu dùng thận trọng hơn”, cô Huang Qianqian (28 tuổi) - thế hệ kế nghiệp F2 của Yiheng Battery nói. Tháng 10/2022, cô Huang đã thôi việc tại một công ty công nghệ để trở về hỗ trợ việc kinh doanh của gia đình.
Bạn bè cô đã giới thiệu một nền tảng thương mại điện tử mới - Temu, vừa ra mắt tại Mỹ. Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings. Đây cũng là công ty sở hữu Pinduoduo - một ứng dụng mua sắm phổ biến tại Trung Quốc vì giá rẻ.
Temu cũng áp dụng chiến lược tương tự, nhưng hướng tới khách hàng tại Mỹ.
Cô Huang thuyết phục bố mẹ thử bán hàng trên Temu một lần. Cô cho rằng đây có thể là cơ hội để đưa doanh nghiệp ra quốc tế. Cô nói: “Rất nhiều chủ nhà máy thế hệ thứ hai như tôi sẽ tìm cách đột phá mới khi họ bắt đầu tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Sự ra mắt của Temu dường như đến đúng thời điểm”.
Yiheng Battery bắt đầu bán hàng trên nền tảng này vào tháng 12 cùng năm.
Yiheng Battery có trụ sở tại Nghĩa Ô, Chiết Giang. Temu đã tạo ra một làn sóng ở Nghĩa Ô, nơi nổi tiếng với các khu chợ bán buôn rộng lớn.
“Mỗi khi có một nền tảng nổi lên, nó sẽ giúp một lượng lớn nhà cung cấp ở Nghĩa Ô trở nên giàu có theo. Trước đây là Amazon, Taobao, sau đó là Pinduoduo. Giờ đây, nhiều người muốn tham gia vào Temu”, cô nói.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, với hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc tiếp cận với người tiêu dùng toàn cầu thông qua các thương hiệu, cửa hàng hoặc website nước ngoài như Amazon.
Đất nước này cũng sở hữu thị trường thương mại điện tử nội địa sôi động với các công ty như Alibaba và JD.com phát triển thành những gã khổng lồ.
Gần đây, các nền tảng mua sắm Trung Quốc đã bắt đầu vươn ra bên ngoài biên giới. Temu, Shein và TikTok Shop là những cái tên mở đầu cho kỷ nguyên thương mại điện tử toàn cầu mới của các công ty Trung Quốc.
Ông Yao Kaifei - sáng lập startup BrandAI, nói rằng ngành thương mại điện tử Trung Quốc đang rất khao khát chinh phục thị trường nước ngoài. Cả người bán lẫn nền tảng đều muốn thoát khỏi cái gọi là hàng Trung Quốc giá rẻ và tạo dựng tên tuổi bằng cách xuất khẩu thương hiệu cũng như mô hình kinh doanh.
Tính đến hết tháng 9/2023, tức khoảng một năm sau khi ra mắt, Temu đã có 61 triệu người dùng hàng ngày tại Mỹ, theo Data.ai. Hiện nền tảng này đang hoạt động ở 48 quốc gia trên toàn cầu.
Trong khi đó Shein đã trở thành một trong những hãng thời trang nhanh lớn nhất thế giới, đang mở rộng sang các sản phẩm khác như đồ gia dụng và đồ điện tử. Theo Data.ai, Shein là ứng dụng mua sắm được xếp hạng cao nhất trên Google Play ở 115 quốc gia.
TikTok Shop chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc ở Đông Nam Á, đồng thời đã ra mắt dịch vụ tại Mỹ trong tháng 9 vừa qua.
Các nền tảng này đã định hình lại thương mại điện tử toàn cầu, cho cả khách hàng và người bán. Tại Nghĩa Ô, những nỗ lực của cô Huang trong việc đưa doanh nghiệp gia đình lên Temu đã mang lại khoảng 100 đơn đặt hàng mỗi ngày, mặc dù họ kiếm được rất ít lợi nhuận từ nền tảng do giá cả cạnh tranh gay gắt.
Trong một số kế hoạch khác, cô muốn bán các sản phẩm thú cưng trên TikTok Shop. “Tôi nghe nói một nhóm 2-3 người bán hàng trên TikTok Shop có thể kiếm được hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm”, cô nói.
“Vào những năm 90, các công ty sản xuất Trung Quốc tự coi mình là những nhà cung cấp đơn thuần, nằm ở những bậc thấp nhất trong chuỗi giá trị. Nhưng các kênh bán hàng mới này mang lại cho họ khả năng tiếp cận khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, tạo ra những khát vọng toàn cầu.
Điều từng tưởng chừng như là không thể với những doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây đã nằm trong tầm với”, ông Yao Kaifei nói.