Tập đoàn PC1 chủ trương rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các khu công nghiệp
CTCP Tập đoàn PC1 (Mã: PC1) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội.
Trình phương án đầu tư các KCN với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng
Đại hội tới, Hội đồng quản trị (HĐQT) PC1 sẽ trình cổ đông phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khu công nghiệp (KCN) với diện tích mỗi dự án dự kiến 200 ha - 500 ha, đến năm 2033 hoàn thành ít nhất 1.500 ha. Tổng mức đầu tư mỗi dự án dự kiến 2.500 - 6.000 tỷ đồng.
Vị trí địa lý các KCN định đầu tư nằm tại các tỉnh có tiềm năng về giao thông, logistics, thu hút sản xuất công nghiệp và được Chính phủ, bộ ngành ưu tiên quy hoạch KCN.
Tỷ suất thu hồi vốn (IRR) PC1 dự kiến ít nhất là 30%. Vốn sẽ được thu hồi trong thời hạn dưới 5 năm. Nguồn vốn lấy từ vốn tự có, vốn vay và vốn khác. PC1 dự kiến đầu tư các KCN theo hình thức M&A, hợp tác đầu tư liên danh liên kết hoặc tự phát triển.
Kế hoạch lãi hơn 500 tỷ đồng năm 2023
Năm 2023, PC1 đặt kế hoạch tổng doanh thu là 9.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và giảm 5% so với kết quả năm trước.
Về cổ tức, HĐQT trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 là 15% bằng cổ phiếu (cổ đông cứ sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận về 15 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện quý IV/2023. Đối với năm 2023, mức cổ tức cũng là 15%/vốn điều lệ.
Năm nay, đối với khối năng lượng, PC1 xác định sẽ vận hành 10 nhà máy điện đang phát điện, tiếp tục phát triển và nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các dự án mới, kế hoạch khởi công các nhà máy thủy điện đã có quy hoạch.
Với mảng bất động sản dân dụng, PC1 sẽ hoàn thành công tác xây dựng và mở bán 2 dự án trong năm 2023, hoàn thiện cấp phép các dự án đang được triển khai, tiếp tục nghiên cứu các dự án mới.
Đối với mảng bất động sản công nghiệp, công ty sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho mục tiêu dài hạn. Riêng năm 2023, công ty sẽ triển khai các thủ tục pháp lý đầu tư dự án khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng mở rộng diện tích 200 ha.
Đối với khối khoáng sản và vật liệu mới, PC1 dự kiến sẽ triển khai các thủ tục để phát triển đầu tư giai đoạn tiếp theo nhà máy tuyển Nickel - Đồng Cao Bằng.
Theo cơ cấu doanh thu thuần năm 2022, hoạt động xây lắp và thiết bị ngành điện đóng góp nhiều nhất với 4864 tỷ đồng, tương ứng 58% trong tổng doanh thu. Tiếp đến là các mảng bán điện (21%), bán hàng hóa vật tư (11%). Mảng khai thác vận hành khu công nghiệp năm ngoái chỉ mới đóng góp gần 80 tỷ đồng doanh thu, trong khi năm 2021 chưa ghi nhận.
Lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của PC1 giảm 30% về 537 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí tài chính tăng so với cùng kỳ khi 3 dự án điện gió đi vào vận hành.
Cùng với đó là lãi suất vay ngắn hạn trung bình năm 2022 cao hơn so với năm 2021. Tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng từ đầu năm 2022 làm gia tăng chi phí tài chính khi công ty đánh giá chênh lệch tỷ giá toàn bộ số dư khoản vay ngoại tệ trong vòng 15 năm của 3 nhà máy điện gió vào kết quả kinh doanh năm 2022.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Tập đoàn PC1 đạt 21.604 tỷ đồng, tăng 15,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 28% lên 2.937 tỷ, và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng hơn 350% lên 655 tỷ (toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn).
Khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 139% so với đầu năm 2022 lên 1.527 tỷ đồng, chủ yếu là do đầu tư thêm 1.097 tỷ đồng vào CTCP Western Pacific với tỷ lệ lợi ích 30,08%.
Khoản tài sản dở dang dài hạn tăng gấp 3,6 lần lên 1.385 tỷ đồng do công ty tập trung xây dựng và hoàn thiện dự án Nhà máy tuyển Niken - Đồng Cao Bằng. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, công suất của nhà máy sẽ đạt 600.000 tấn/năm.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn PC1 tăng 17% trong năm 2022, lên 14.542 tỷ đồng (chiếm 67% tổng nguồn vốn), đa số là nợ vay dài hạn. Trong đó, vay từ kênh trái phiếu là 1.200 tỷ đồng, còn lại là vay từ các ngân hàng.
Tỷ suất sinh lời ROA năm 2022 của PC1 khoảng 2,1%, ROE bằng 6,5%.