|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thương vụ bán thỏa thuận gần 2.000 tỷ đồng tại PC1

11:20 | 27/01/2024
Chia sẻ
Nhóm cổ đông BEHS đã rút toàn bộ hơn 26% vốn tạo Tập đoàn PC1, ước tính có thể thu lãi bằng lần tại mức giá bán thỏa thuận gần 25.500 đồng/cổ phiếu.

Công ty Cổ phần BEHS vừa thông báo bán xong toàn bộ gần 53,9 triệu cổ phiếu Tập đoàn PC1 (Mã: PC1) trong thời gian 22-24/1. Các công ty liên quan là BEH và BES cũng lần lượt bán toàn bộ 11 triệu và 8,6 triệu cổ phiếu trong các ngày 22-23/1. 

Tổng nhóm nhà đầu tư tổ chức này bán ra lên đến 73,4 triệu cổ phiếu PC1, tương đương với 23,6% vốn công ty. Toàn bộ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.  

Dữ liệu giao dịch mã chứng khoán PC1 cho thấy có hơn 73,4 triệu cổ phiếu đã được bán thỏa thuận trong giai đoạn 22-24/1, với tổng giá trị sang tay 1.870 tỷ đồng hay tương đương mức giá thỏa thuận bình quân gần 25.500 đồng/cổ phiếu. 

Trước đó, nhóm nhà đầu tư liên quan BEHS là các cổ đông lớn nhất nắm giữ trên 26% vốn Tập đoàn PC1 và nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn có khoảng 23,3% vốn.

Đơn vị mua lại lượng lớn cổ phần của BEHS vẫn chưa lộ diện. Trong phiên 22/1, mã chứng khoán này là tâm điểm của khối ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất hơn 126 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư BEHS lần đầu xuất hiện vào tháng 5/2020 khi mua vào hơn 28 triệu cổ phiếu PC1, mà phần lớn đến từ nhận chuyển nhượng cổ phiếu của quỹ Dragon Capital. Nhóm này mua thêm lên 24% vốn vào cuối tháng 10/2020, sau đó tiếp tục gom thêm cổ phần và nhận cổ tức để nâng tổng sở hữu lên mức trên 26% vốn. 

Thương vụ BEHS xuất hiện tại PC1 từng là một tâm điểm giao dịch trên thị trường chứng khoán, bởi công ty này chỉ mới được thành lập một tháng trước giao dịch và quy mô vốn điều lệ khi đó chỉ 1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị thương vụ đến hàng trăm tỷ đồng. 

BEHS thời điểm đó đặt trụ sở chính tại Thị trấn An Thới, Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Khổng Châu Anh, sinh năm 1988. Ông Châu Anh cũng là cổ đông chính nắm giữ 79,5% cổ phần BEHS. 

Thương vụ còn gây chú ý trong giới đầu tư khi kế toán trưởng BEHS - Nguyễn Ngọc Thu sử dụng địa chỉ email có hậu tố @bimgroup.com. Điều này làm dấy lên nghi vấn rằng nhóm cổ đông BEHS có liên quan đến tập đoàn bất động sản BIM Group.  

Về mối liên hệ, hiện ông Mai Lương Việt là thành viên Hội động quản trị Tập đoàn PC1 kiêm Phó tổng giám đốc BEHS. Ông Việt hiện không nắm giữ trực tiếp cổ phiếu PC1. 

 

 Biểu đồ: TradingView.

Đây là thương vụ có lời đối với BEHS do cổ phiếu PC1 có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến nay.Tại thời điểm BEHS bắt đầu mua vào, cổ phiếu PC1 chỉ có giá điều chỉnh quanh 9.000 đồng/cổ phiếu và tăng lên 12.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 10.

Nếu tính theo giá bán bình quân gần 25.500 đồng/cổ phiếu, BEHS có khả năng đã lãi bằng lần trong thương vụ rút vốn này. Trong khi đó, cổ phiếu PC1 thậm chí đã tiến về mức 28.400 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa doanh nghiệp lên trên 8.800 tỷ đồng. 

Cổ đông lớn thoái vốn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Tập đoàn PC1 vẫn ở mức thấp. Báo cáo 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận doanh thu thuần 5.198 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 159 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và giảm 37% so với cùng kỳ năm trước do mảng điện kém hiệu quả.

So với kế hoạch năm, tập đoàn này mới thực hiện được 55% mục tiêu doanh thu và 33% chỉ tiêu lợi nhuận. 

Dù vậy, triển vọng kinh doanh dài hạn của tập đoàn này vẫn tích cực. VNDirect kỳ vọng PC1 sẽ trúng các gói thầu lớn từ dự án đường dây truyền tải 500kV Quảng Trạch - Phố Nối với quy mô đầu tư khoảng 1 tỷ USD, cũng như sản lượng thủy điện phục hồi và điện gió ổn định. 

Trong khi các mảng kinh doanh mới sẽ có đóng góp lớn hơn. PC1 bắt đầu có doanh thu từ bán niken từ quý III/2023 và dự kiến mang về hơn 450 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2024. Mảng khu công nghiệp cũng đang mở rộng nhanh chóng, thông qua M&A với tham vọng có thêm 1.500 ha đến năm 2030. 

VNDirect dự báo thu nhập lãi ròng của PC1 sẽ chạm đáy vào năm 2023 với khoảng 239 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận cải thiện dần từ năm 2024 trở đi với mức 800 tỷ đồng, tăng trưởng 234% trên mức nền thấp. 

Kết quả quả này chủ yếu nhờ mảng xây lắp điện hồi phục và sản lượng thủy điện cải thiện, bắt đầu ghi nhận doanh thu từ tiền thuê đất tại Yên Phong II-A và mỏ niken hoạt động trọn vẹn năm đầu tiên.  

Huy Lê