Tập đoàn PAN ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Đồng Tháp triển khai đề án ‘Nâng cao thu nhập người trồng lúa’
Lễ ký nằm trong khuôn khổ Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp” với sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ cấp trung ương và địa phương, cùng các tổ chức quốc tế (FAO, USAID, UNESCO, WB, UNDP,…). Bộ trưởng NN & PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đồng chủ trì tọa đàm và chứng kiến Lễ Ký kết.
Những thách thức ngày càng gia tăng từ tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp, hiệu quả thấp từ tập quán canh tác truyền thống, yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường đang đặt ra những bài toán mới cho ngành lúa gạo.
Một số rào cản đang đe doạ tính bền vừng của ngành có thể kể đến như hiệu quả sản xuất lúa gạo và thu nhập của người trồng lúa hiện ở mức thấp; chất lượng lúa gạo và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa cao; tình trạng sử dụng vật tư đầu vào chưa hợp lý…,
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng người dân sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học không hiệu quả dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng sản phẩm, và gây tăng phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, hệ thống sản xuất lúa vẫn chủ yếu nằm ở các hộ gia đình với quy mô nhỏ và manh mún, sử dụng các phương thức canh tác truyền thống. Điều này gây rào cản lớn cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kết nối sản xuất, thu mua, chế biến, và xuất khẩu, đồng thời cản trở việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Nhằm góp phần giải quyết những “điểm nghẽn” của ngành nông nghiệp, CTCP Tập đoàn PAN đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”, qua đó cung cấp các giải pháp bền vững nhằm xây dựng một chuỗi giá trị khép kín trong ngành lúa gạo.
Cụ thể, đề án sẽ hỗ trợ nâng cao kỹ thuật canh tác lúa, thúc đẩy bà con sử dụng giống bản quyền, phấn đấu giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, tăng cường liên kết tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản cho nông dân tỉnh Đồng Tháp.
Đề án có sự gắn kết quan trọng với đề án cấp Chính phủ “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Theo đó, đề án đặt mục tiêu nâng cao thu nhập người trồng lúa tỉnh Đồng Tháp đến 2025, định hướng đến 2030.
Cụ thể, đến năm 2025 sẽ nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa tại địa phương trên 30% tổng doanh thu, biên độ gia tăng lợi nhuận 30% so với năm 2022, tương đương 3.600 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng lúa đảm bảo tăng lợi nhuận 240.000 ha/ tổng số 470.940 ha (tương đương 50% diện tích gieo trồng/năm).
Ngoài ra, đề án còn hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ bằng cách sử dụng máy sạ cụm, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo sạ bằng máy đạt 50% diện tích, tối thiểu 70% diện tích áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên so với năm 2020. Đồng thời, rơm rạ được thu gom, tái sử dụng, chế biến đạt trên 80% diện tích thu hoạch.
Tập đoàn PAN tham gia đề án thông qua các đơn vị thành viên trong mảng nông nghiệp, gồm có CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC), CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice – một thành viên của Vinaseed).
Theo đó, tập đoàn sẽ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp các giải pháp canh tác bền vững hỗ trợ nông dân, đồng thời hướng dẫn bà con quy trình sản xuất tiêu chuẩn, giúp tăng năng suất và chất lượng.
Cụ thể, về giống lúa, PAN sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Tháp để xây dựng cơ cấu thời vụ và cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng sinh thái.
Về kỹ thuật, tập đoàn chuyển giao công nghệ tiên tiến và tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức cho nông dân trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng bền vững.
Ngoài ra, tập đoàn còn cung cấp vật tư, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra đúng quy trình tiêu chuẩn đặt ra.
Đối với vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, PAN cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng từ các nhà cung cấp uy tín trên thế giới với mức giá ưu đãi. Đồng thời, tập đoàn hướng dẫn người dân kỹ thuật phun và cách sử dụng thuốc hợp lý để tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
PAN sẽ hỗ trợ bao tiêu sản phẩm tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác và đạt tiêu chuẩn chất lượng tại các khu vực tập đoàn triển khai.
Ngoài ra, tập đoàn sẽ chủ động mời các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực phân bón, nông nghiệp công nghệ cao… tham gia hợp tác cùng trong phạm vi đề án.
Chia sẻ về đề án, bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: “Với Đề án Nâng cao thu nhập người trồng lúa, Tập đoàn PAN tham gia với toàn bộ nguồn lực chất lượng cao nhất trong mảng nông nghiệp của mình, là những đơn vị hàng đầu về mảng giống, mảng lương thực, bảo vệ thực vật, và nguồn nhân lực gồm các chuyên gia đầu ngành”.
Bà Mỹ nói thêm PAN sẽ cùng với tỉnh Đồng Tháp xây dựng một mô hình chuỗi giá trị khép kín, trong đó cung cấp cho bà con các giải pháp nông nghiệp bền vững.
Đây vốn là thế mạnh của tập đoàn, từ đầu vào là nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác tiêu chuẩn, đến các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dịch hại, sau đó là gắn liền với việc bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cuối cùng.
Các giải pháp hướng đến việc tiết giảm chi phí đầu vào trong khi tăng năng suất và chất lượng tối đa.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được 2 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, và đặc biệt là nâng cao thu nhập cho bà con. Tôi tin tưởng mô hình liên kết chuỗi này sẽ sớm có kết quả tại Đồng Tháp, từ đó có thể nhân rộng áp dụng tại nhiều địa phương trong cả nước.”, bà My chia sẻ.
Sự hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn PAN mở ra cơ hội mới cho nông dân Đồng Tháp, giúp người trồng lúa tiếp cận với những phương pháp tiên tiến, kỹ thuật hiện đại.
Với sự tham gia mạnh mẽ của Tập đoàn PAN, nhiều người dân kỳ vọng đề án gắn với việc chuyển đổi tư duy và thực hành sản xuất của nông dân về nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng. Qua đó, đây là bước đệm vững chắc để ngành sản xuất lúa gạo chuyển từ phương thức truyền thống lên trình độ cao hơn mà ở đó giá trị lúa gạo được gia tăng trong chuỗi liên kết bền vững, vừa đảm bảo nâng cao thu nhập cho người sản xuất, vừa cải thiện chất lượng môi trường.