Tạo bước ngoặt cho phát triển tài chính bao trùm
TS. Võ Trí Thàn |
Tài chính bao trùm (TCBT) hiểu một cách khái quát nhất là việc mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính có chất lượng bởi các định chế lành mạnh, bền vững với mức giá hợp lý.
Tầm quan trọng của tài chính bao trùm
Về bản chất, tài chính liên quan đến phát triển và chất lượng cuộc sống. Bởi vốn liếng luôn là đầu vào quan trọng cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những thành phần yếu thế khó có khả năng tiếp cận vốn như hộ nông dân, DN siêu nhỏ, DNNVV… Tuy không phải là tất cả nhưng vốn có ý nghĩa rất quan trọng.
Ở các nước đang phát triển, việc thúc đẩy tiếp cận tài chính còn góp phần phát triển hệ thống tài chính, từ những định chế tài chính lớn cho đến các tổ chức nhỏ, và việc huy động nguồn lực trong nước, qua đó hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn, bao trùm hơn. Đó chính là lý do cách tiếp cận theo TCBT rất được nhấn mạnh trong những năm lại đây, dù không phải là điều quá mới mẻ.
Có 3 lý do cơ bản khiến TCBT được chú trọng hơn ở Việt Nam. Thứ nhất, tuy Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành tựu trong xoá đói giảm nghèo, nhưng cùng với tăng trưởng và sự phát triển kinh tế, một tầng lớp dân cư không nhỏ vẫn bị bỏ lại phía sau. Chênh lệch giàu nghèo còn lớn, cấu trúc dân số cũng đang nhanh chóng thay đổi, tỷ lệ người già ngày càng cao… Tất cả điều này đòi hỏi phải tạo ra sự phát triển bền vững, bao trùm.
Thứ hai, vai trò của DN siêu nhỏ, DNNVV, sự tham gia của phụ nữ, người cao tuổi trong phát triển kinh doanh cần được thực sự lưu tâm.
Thứ ba, những đột phá về công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đang mở ra nhiều cơ hội to lớn, tạo ra những bước ngoặt trong nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của mọi người dân để đạt TCBT. Công nghệ giúp giảm chi phí giao dịch tài chính lên đến 80 thậm chí là 90%. Tài chính số có thể giúp GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng thêm 3.700 tỷ USD đến năm 2020.
Thực trạng tại Việt Nam
Việt Nam đã có không ít nỗ lực trong bao phủ cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là từ phía hệ thống NH. Về cấu trúc, tỷ trọng tài sản của các NH chiếm tới hơn 75% tổng tài sản của toàn hệ thống tài chính Việt Nam. Đây chính là một điều kiện để các NH đa dạng hoá dịch vụ tài chính, phục vụ DN và người dân. Cùng với điều tiết chính sách của NHNN và nỗ lực của các NHTM, cung cấp dịch vụ tài chính đã trở nên đa dạng hơn. Mảng bán lẻ với nhiều sản phẩm hữu ích, thiết thực được phát triển như việc mở rộng sử dụng các loại thẻ NH đi cùng nhiều dịch vụ tài chính và cho vay tiêu dùng. Sự điều hành nhất quán, kiên định của NHNN đã đóng góp quan trọng trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô - một yếu tố then chốt giúp nền kinh tế phát triển bền vững.
Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các NH đều nhận thấy và “buộc” phải có sự thay đổi về chất để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân. Qua đó, NH và các định chế tài chính trong nước vừa có thể khai thác tiềm năng thị trường, tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn, lại vừa giữ vững thị phần của mình trước bối cảnh hội nhập sâu rộng với sự tham gia bình đẳng của các định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam. Sâu xa hơn, đằng sau hiệu quả kinh doanh cũng là trách nhiệm xã hội của hệ thống NH. Điều này có thể thấy rõ qua hoạt động của những định chế tài chính chuyên biệt như Ngân hàng Chính sách xã hội…
Mặc dù đã có bước cải thiện, song đến thời điểm hiện tại, xét về tổng thể, TCBT ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình thấp. Một chỉ số tuy chưa phản ánh đầy đủ nhưng thường được nhắc đến đầu tiên khi đánh giá về mức độ tiếp cận tài chính của người dân, là tỷ lệ có tài khoản NH. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ dân số Việt Nam trên 15 tuổi có tài khoản NH vào khoảng 39%. Con số trên đã tăng đáng kể so với thời điểm cách đây vài năm (31% năm 2014), nhưng so ngay với các nước thu nhập trung bình thấp và trong khu vực châu Á, hay ASEAN-5, thì vẫn còn thấp. Trung bình tỷ lệ tiếp cận tài khoản ở các nước này đều trên 50%, nhiều nước đạt mức trên 70%.
Chỉ số thứ hai là khả năng tiếp cận chi nhánh NHTM, số máy ATM… của Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực. Như đến cuối năm 2015, số chi nhánh NHTM/100.000 người trên 15 tuổi ở Việt Nam chỉ là 3,8/100.000 người, trong khi ở Nhật Bản con số này gần gấp 10 lần, lên tới 34,14/100.000 người. Số máy ATM tại Việt Nam chỉ cao hơn Ấn Độ khi có hơn 24 máy/100.000 người. Chỉ số thứ ba, quy mô tiền gửi và dư nợ cho vay của các quỹ tín dụng và các công ty tài chính ở Việt Nam cũng ở mức thấp nhất, tương ứng là 1,66% GDP và 1,73% GDP.
Chính vì vậy, không có con đường nào khác là Việt Nam phải rất nỗ lực trong thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng gắn bó chặt chẽ với tính bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính. Nói cách khác, đó là việc làm sao để mọi người đều có thể tiếp cận, tiếp cận cơ hội mới trên tất cả các khía cạnh đời sống xã hội và tiến trình phát triển lấy người dân, DN làm trung tâm.
Việt Nam đã có không ít nỗ lực trong bao phủ cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là từ phía hệ thống N |
Cách thức để phát triển tài chính bao trùm
Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đưa ra khá nhiều sáng kiến liên quan đến chủ đề của APEC là tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển và cùng chung tay chia sẻ lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên. Một điểm nhấn trong đó là sáng kiến của Việt Nam về phát triển bao trùm về kinh tế, xã hội, tài chính trong liên kết các nền kinh tế thành viên APEC. Không phải ngẫu nhiên, sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi và đánh giá cao của các nền kinh tế thành viên APEC.
Cũng chính vì vậy mà các hội nghị tài chính và nhiều diễn đàn trong khung khổ APEC Việt Nam 2017 đều đề cập đến vấn đề TCBT, với mong muốn nhận được nhiều chia sẻ chính sách, cách thức làm cả về kỹ thuật, công nghệ, và việc tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bản chất của cuộc Cách mạng này chính là khả năng kết nối hiệu quả, tức thời thế giới thực - thế giới số - con người với dữ liệu lớn và với chi phí thấp. Đó chính là nền tảng để các NH, các định chế tài chính phát triển và hoàn thiện các cách thức kinh doanh, đa dạng hóa loại hình dịch vụ tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN trong tiếp cận và giao dịch tài chính.
Một mẫu hình kinh doanh được nói và bàn nhiều thời gian gần đây là Fintech với cơ hội sử dụng các dịch vụ tài chính, NH chỉ trong “lòng bàn tay” với chi phí rất thấp. Lợi ích thấy rõ, nhưng bài toán chính sách, điều tiết đặt ra là làm sao cho sự sáng tạo nảy nở đồng thời với việc nhận diện và giảm thiểu những rủi ro có thể phát sinh như có liên quan đến bảo mật cơ sở dữ liệu, hiệu ứng lan tỏa dây chuyền...
Đối với Việt Nam, khi nói đến thay đổi chính sách quan trọng nào đó, thường yếu tố được đề cập đầu tiên là việc đổi mới tư duy. Tầm quan trọng của TCBT với phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đã được thừa nhận và không có gì phải bàn cãi. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã chuyển động tại Việt Nam. Vấn đề là tốc độ. Sự lựa chọn cách làm thận trọng với những thí điểm có thể là cần thiết (như Việt Nam và không ít nền kinh tế APEC đã làm vừa qua). Song quan trọng hơn, dù không dễ dàng, là nỗ lực nhanh chóng học hỏi, xây dựng khung pháp lý để có thể thúc đẩy phát triển, trong khi vẫn hạn chế được những rủi ro lớn phát sinh.
Xét trên nền cơ bản đó, mới đây Chính phủ đã giao cho NHNN xây dựng Đề án thúc đẩy TCBT đến năm 2020. Trong đó, NHNN có vai trò quan trọng trong xây dựng khung khổ pháp lý để vừa đảm bảo sức sáng tạo của thị trường, vừa hạn chế được những rủi ro có thể phát sinh. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, nhiệm vụ này muốn thành công thì không thể chỉ đặt trên vai NHNN, vốn đang phải gánh vác rất nhiều công việc, từ tái cơ cấu hệ thống NH, xử lý nợ xấu, đến thực thi chính sách tiền tệ cho đảm bảo cả mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Vai trò và sự phối hợp của các bộ ngành khác cũng rất quan trọng. Tạo lập nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, và ở đây cần có sự vào cuộc của Bộ Tài chính. Hay như cung cấp thông tin cá nhân không chỉ là câu chuyện của NHNN…
Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của Chính phủ và cả xã hội, cùng với sự chuyển động trên thực tế của thị trường và xu hướng công nghệ có tính toàn cầu, nhất là về công nghệ số, đây chính là thời điểm, là cơ hội chưa từng có để tạo bước ngoặt trong phát triển TCBT ở Việt Nam.