Tăng trưởng quý 1 ấn tượng nhưng năm 2018 khó đột phá
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết tăng trưởng GDP của quý 1 đạt 7,38% so với cùng kỳ, trong đó cả 3 khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung.
Phát biểu của ông Thắng được đưa ra tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 diễn ra tại Hà Nội vào hôm nay, ngày 30-3.
Mặc dù giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong quý 1, nhưng đại diện Samsung VN vẫn thận trọng nhận xét xu hướng sản xuất của công ty đang chững lại trong năm 2018 - Ảnh: LÊ KIÊN
Đây là lần thứ hai một hội nghị với chủ đề như vậy được tổ chức (lần đầu tiên vào đầu năm 2017, khi tốc độ tăng trưởng thấp với nỗi lo không đạt kế hoạch).
"Do kết quả các quý 1-2018 so sánh với một nền khá thấp của quý 1-2017 nên kết quả là khá cao trong khi đó, các quý còn lại của năm 2017 khó có nhiều bứt phá, đạt mức khá cao" - báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư viết.
Phân tích của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng "dự kiến năm 2018 không có những nhân tố đột phá như năm 2017".
Chẳng hạn như tăng trưởng đột phá của Samsung với sản phẩm mới Note 8 vào tháng 5-2017 hoặc nhà máy thép Formosa lần đầu tiên đi vào sản xuất với quy mô lớn vào tháng 7-2017...
"Mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018, trong đó tăng trưởng theo từng quý cũng như lũy kế quý 1, đến 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 có xu hướng giảm dần".
Được mời phát biểu tại hội nghị, đại diện tập đoàn Samsung cho biết năm 2018 xu hướng sản xuất có chững lại, vì phải đương đầu với xu thế bảo hộ mậu dịch trên thế giới, nhưng Samsung Việt Nam sẽ cố gắng duy trì sản xuất và tăng trưởng.
Samsung Việt Nam kiến nghị Chính phủ ủng hộ duy trì thể chế về lao động và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là lợi thế cạnh tranh của lao động Việt Nam đối với các quốc gia khác trong khu vực như quy định cởi mở về việc làm thêm giờ của người lao động.
Theo đại diện Samsung, Chính phủ cần thúc đẩy đàm phán để các quốc gia chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để trong thời gian tới có thể được thừa nhận.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng tốc độ tăng trưởng cao của quý 1 là yếu tố thuận lợi, nền tảng tốt cho cả năm.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng với một nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP như Việt Nam thì tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có một sự cố từ bên ngoài.
"Giải pháp tốt nhất với chúng ta là thị trường, thị trường và thị trường, đồng thời sẵn sàng chủ động ứng phó với sự cố. Sản xuất ra nhiều mà không xuất khẩu được là chết", ông Cường nhấn mạnh.
Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất lao động… nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.