|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tân Một Cú tiết lộ có hai bằng đại học, khẳng định người chê reviewer thiếu chuyên môn là kém hiểu biết

15:24 | 23/12/2021
Chia sẻ
Nghề reviewer trong thời gian gần đây bất ngờ nhận được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt sau những lùm xùm xoay quanh sự kiện ra mắt AirB và AirB Pro của BKAV.

Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, khi thị trường công nghệ Việt Nam phát triển, đã xuất hiện một số công việc mới, và một trong số đó phải kể đến reviewer. Reviewer là những người được trải nghiệm sản phẩm, sau đó chia sẻ lại đánh giá của bản thân về các sản phẩm đó với những người khác.

Thời gian qua, nghề reviewer một lần nữa trở thành đề tài được nhiều người quan tâm sau lùm xùm xung quanh sự kiện ra mắt hai mẫu tai nghe mới là AirB và AirB Pro của BKAV.

Mới đây trong một talkshow do Dân Trí tổ chức, Phạm Ngọc Tân (Tân Một Cú), hiện đang sở hữu kênh YouTube với gần nửa triệu lượt theo dõi đã có những trải lòng về nghề này. Đặc biệt, reviewer Tân Một Cú cũng là người xuất hiện trong những lùm xùm quanh mẫu tai nghe vừa qua.

Reviewer Tân Một Cú: Người chê reviewer Việt Nam không đủ trình độ chuyên môn, sống dựa vào nhà sản xuất thật ra không hiểu gì về nghề này - Ảnh 1.

Reviewer Tân Một Cú, người sở hữu kênh YouTube gần 500.000 lượt đăng ký. (Ảnh: Yan).

Tốt nghiệp hai trường đại học, có nhiều cơ hội trải nghiệm đồ công nghệ

Theo chia sẻ, Tân Một Cú từng học chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Hà Nội và chuyên ngành marketing tại Đại học RMIT. Anh cho biết mặc dù ngành học không có liên quan gì đến công nghệ thông tin, nhưng bản thân là người thích dùng đồ công nghệ. Đó vừa là một cái duyên cũng như động lực để anh đến với nghề reviewer công nghệ.

Định nghĩa về nghề reviewer, anh Tân chia sẻ: "Mọi người thường nghĩ nghề reviewer là người đánh giá, nhưng tôi xin được gọi đây là người trải nghiệm. Tôi có may mắn hơn những người khác khi có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm công nghệ, từ đó có những trải nghiệm và thước đo khác, qua đó giúp mọi người tìm được những sản phẩm phù hợp".

Trong thời gian đầu làm công việc reviewer, do chưa có kinh nghiệm thực tế nên để có thể đánh giá và trải nghiệm một sản phẩm theo cách đầy đủ, chi tiết nhất, anh Tân thường phải mất từ 4 đến 5 ngày. Hiện tại, nhờ kinh nghiệm đã tích lũy được nên thời gian dùng để trải nghiệm đầy đủ một sản phẩm sẽ ngắn hơn.

Riêng về reviewer công nghệ, anh Tận nhận định rằng bản chất công nghệ là một thứ gì đó khá khô khan, vì vậy muốn tạo sự thu hút với người xem, các reviewer công nghệ cần pha lẫn giữa giải trí và nghiêm túc. 

"Cá nhân tôi muốn trở thành bạn với khán giả. Mỗi buổi reviewer tôi thường đặt mình vào vai một người bạn, chia sẻ với mọi người cái nhìn về các sản phẩm công nghệ thay vì hướng bản thân theo kiểu chuyên gia", reviewer Tân Một Cú cho biết.

Một trong những khó khăn đối với nghề reviewer chính là đưa ra những đánh giá khách quan về sản phẩm. Chia sẻ về điều này, anh Tân nhận định: "Thời gian đầu làm reviewer tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc khá nhiều. Để có thể đánh giá khách quan một sản phẩm, tôi nghĩ chỉ có cách luyện tập kết hợp thêm kiến thức, trải nghiệm của bản thân. 

Dần dần, reviewer có thể gạt bỏ một phần cảm xúc khi đánh giá, nhưng chắc chắn không thể gạt bỏ hết. Bản chất của reviewer là người dùng nên có thể giữ được sự trung lập là điều rất khó".

Sẵn sàng từ chối các đề nghị để nói tốt cho sản phẩm

Gần đây có ý kiến cho rằng các reviewer tại Việt Nam không có đủ trình độ chuyên môn, sống dựa vào các nhà sản xuất. Về vấn đề này, anh Tân nhận định: "Những người nói ra câu này thật ra không hiểu gì về công việc của bọn tôi. Về bản chất, reviewer có từ rất lâu rồi.

Riêng về công nghệ, reviewer chúng tôi đại diện cho người sử dụng, vì vậy tôi thấy việc phải am hiểu về sản xuất, cơ khí, điện tử,… là điều không cần thiết. Chúng ta đang sống trong xã hội mà mỗi người làm một chuyên môn riêng. Do đó không nên bắt người khác phải có chuyên môn của mình mới có thể hiểu sản phẩm của mình. Điều đó là vô lý".

Bên cạnh đó, có những ý kiến khác cho rằng reviewer có thể được nhận quà tặng, tiền,… để nói tốt cho các hãng sản xuất hoặc nói xấu đối thủ, anh Tân cho biết: "Tôi chưa từng chứng kiến việc nhận tiền để nói xấu đối thủ, còn về việc được nhần quà tặng từ các nhà sản xuất là có.

Khi đó, chúng tôi cũng có sẽ những sự đối đáp phù hợp với họ. Nhiều người nghĩ rằng reviewer nhận tiền từ nhà sản xuất để khen, điều đó không hẳn đúng. Có thể khi đó chúng tôi sẽ đánh giá một sản phẩm theo hướng tích cực, tạo cho người xem cảm giác hưng phấn, nhưng chúng tôi sẽ không nói dối".

Anh cũng tiết lộ rằng từng có những nhà sản xuất đề nghị anh đánh giá một chiếc laptop pin kém thành pin tốt. Tuy nhiên, anh Tân khẳng định chỉ có thể nói về một cái khác để giảm bớt sự tiêu cực chứ không thể nói dối trải nghiệm sản phẩm.

Chưa nhận thức được tầm ảnh hưởng của bản thân

Rõ ràng, khi thời đại công nghệ số phát triển, nghề reviewer cũng dần khẳng định được tiếng nói. Thực tế, reviewer có ảnh hưởng nhất định tới người dùng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Dù vậy, anh Phạm Ngọc Tân, người đang sở hữu kênh YouTube gần 500.000 người đăng ký và trang Facebook với hơn 50.000 người theo dõi cũng phải thừa nhận rằng chưa ý thức được chính xác sự ảnh hưởng của bản thân lớn tới mức nào.

"Mức độ ảnh hưởng của tôi có lẽ được nhìn thấy rõ nhất qua những người xung quanh. Bạn bè khi mua các đồ công nghệ thường nhắn tin hỏi tôi xem nên chọn máy nào. Có lẽ mức độ ảnh hưởng của tôi nằm ngoài sự nhận thức của bản thân. Tôi không được phép tự mãn với bản thân bởi vẫn còn rất nhiều điều cần phải học hỏi. Ngoài ra khi phát biểu trên mạng cũng phải chọn lọc ngôn từ cẩn thận bởi cá nhân tôi cũng đang có sức ảnh hưởng nhất định nào đó", anh Tân cho biết.

Về ảnh hưởng tới nhà sản xuất, anh Tân chia sẻ: "Trong quá trình làm việc, tôi chưa bao giờ đặt nặng tính chê bai. Gần đây cũng có một số sản phẩm làm tôi không hài lòng. Tôi cũng có đưa ra những phản hồi từ trải nghiệm thật, bao gồm video quay trực tiếp. 

Thực tế, cho đến bây giờ nhà sản xuất sản phẩm đấy vẫn chưa phản hồi gì cả. Dù vậy, các sản phẩm về sau của họ cũng dần dần tốt lên". Anh nói thêm rằng mối quan hệ giữa reviewer là nhà sản xuất gần gũi hơn giữa người dùng và nhà sản xuất. Đó là cách ảnh hưởng tích giữa giữa reviewer và nhà sản xuất.

Quốc Anh