|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tận dụng khó khăn của Huawei để giành thị phần, Google Pixel 4 cũng khó thành công vì thiếu mối quan hệ làm ăn

06:22 | 17/10/2019
Chia sẻ
Google có thể tận dụng việc Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen để giành thị phần với sản phẩm mới, đặc biệt là ở thị trường châu Âu. Tuy nhiên, việc thiếu vắng mối quan hệ với các nhà mạng di động tại lục địa già có thể kìm hãm con đường trở thành "tay chơi" hàng đầu trên thị trường đại chúng của hãng.
106183724-1571201359202gettyimages-1176009332

Dòng điện thoại Pixel 4 Google mới ra mắt. (Ảnh: Bloomberg)

Huawei gặp nạn, Google có thể tận dụng thời cơ vượt lên

Hôm 15/10, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã ra mắt dòng điện thoại thông minh cao cấp Pixel 4 và Pixel 4 XL với một số tính năng mới như điều khiển bằng cử chỉ (gesture control).

Buổi ra mắt sản phẩm của Google diễn ra ngay thời điểm Huawei Technologies vẫn còn nằm trong danh sách đen, hạn chế hãng này tiếp cận công nghệ Mỹ, trong đó có hệ điều hành Android của Google.

Mới đây, Huawei đã cho ra mắt sản phẩm smartphone Mate 30 nhưng không được cấp phép sử dụng loạt ứng dụng của đối thủ Google.

Huawei-Mate-30-Pro-Mate-30-Pro-Mate-30-Mate-30-Pro-Google-Mate-30-Pro-Google-app-Mate-30-Pro-Google-support-Mate-30-Pro-1189071

Huawei Mate 30 ra mắt mà không có hệ điều hành Android. (Ảnh: Reuters)

Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích từng nhận định việc không thể truy cập vào hệ sinh thái của Google có thể kìm hãm tham vọng bá chủ toàn cầu của Huawei. Hiện nay, các nhà phân tích này cho rằng Google có thể tận dụng những rắc rối của Huawei để giành giật thị phần.

"Khi mà Huawei đang phải đối mặt với thách thức lớn, đặc biệt là ở châu Âu, đây chính là thời điểm thuận lợi cho Google nếu họ nghiêm túc vươn lên với Pixel 4", ông Geoff Blaber, Phó Chủ tịch của công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight, cho hay.

Mặc dù vậy, trở ngại không biến mất và thậm chí còn có thể khiến Google gặp khó khăn trong quá trình vượt qua cái bóng của Huawei, ngay cả khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải xử lí nhiều vấn đề vào thời điểm hiện tại.

Ở dòng điện thoại Nexus cũ, chiến lược của Google không thực sự hướng đến mục tiêu mở rộng qui mô thị trường đại chúng. Thay vào đó, đại gia công nghệ Mỹ tung ra thiết bị để phô bày khả năng tuyệt vời của phần mềm Android để các nhà cung ứng khác làm theo.

Tuy nhiên gần đây, với dòng điện thoại Pixel, Google đã nghiêm túc với mục tiêu trở thành nhà cung ứng điện thoại lớn.

Trả lời The Verge năm 2017, Rick Osterloh - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng thiết bị và dịch vụ của Google, cho biết công ty hi vọng bán được số lượng lớn thiết bị trong 5 năm tới.

Khó khăn của Huawei đã dấy lên cuộc tranh cãi xoay quanh những lợi ích mà các doanh nghiệp khác có thể tận dụng. Đặc biệt, châu Âu được xem là chiến trường then chốt vì Huawei là nhà cung ứng số hai về thị phần tại đây sau Samsung.

Theo công ty nghiên cứu Canalys, Huawei cho biết doanh số bán hàng của hãng đã giảm 16% so với cùng kì năm ngoái vào quí II/2019.

Chỉ hợp tác với nhà mạng Mỹ không thể giúp Google làm nên tên tuổi ở châu Âu

Mặc dù vậy, việc Google thiếu mối quan hệ hợp tác với các nhà mạng di động châu Âu có thể khiến mục tiêu vượt qua Huawei với dòng Pixel 4 gặp trở ngại.

"Sự việc Huawei bị liệt vào danh sách đen của chính phủ Mỹ đã để lại một khoảng trống và cơ hội giành thị phần tương đối lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, với việc Pixel có quá ít sự hỗ trợ tại thị trường này, nhiều khả năng Samsung mới là đối tượng hưởng lợi", ông Blaber nói.

Ở nhiều quốc gia châu Âu, các nhà mạng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những dòng điện thoại đắt tiền, cao cấp thành công vì họ cung cấp hợp đồng thời hạn cố định, thanh toán theo tháng nên nhờ đó thiết bị sẽ có giá phải chăng hơn cho người tiêu dùng

Tại sự kiện ra mắt hôm 15/10, Google tuyên bố Pixel 4 sẽ được nhiều nhà mạng Mỹ hỗ trợ, chẳng hạn như AT&T và Verizon. Tuy nhiên, có rất ít nhà mạng châu Âu cung cấp dòng sản phẩm mới này.

"Chúng tôi phải lưu ý rằng Google và Huawei cạnh tranh trên hai chiến trường khác nhau: 3 trong số 4 điện thoại Pixel được bán ở Mỹ, trong khi Huawei gần như không hiện diện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới", ông Bryan Ma, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu sản phẩm của IDC, cho biết.

"Ngược lại, châu Âu là một phần quan trọng trong thành công của Huawei ở thị trường nước ngoài, còn Google lại ít xuất hiện ở châu Âu".

"Hầu hết nhà mạng nằm trong thông báo của Google hôm 15/10 đều có trụ sở tại Mỹ. Do vậy, nếu ưu tiên của Google vẫn là thị trường châu Âu, hãng cũng khó mà giành được nhiều thị phần từ tay Huawei", ông Ma nói.

Sức chịu đựng đáng nể của Huawei

Sau khi đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5, vào ngày 20/8 vừa qua, chính phủ Mỹ lại tiếp tục bổ sung thêm 11 cơ sở nghiên cứu quan trọng của Huawei, bao gồm các trung tâm ở Anh và Italy, và nhiều công ty con vào danh sách cấm vận, theo Nikkei Asian Review.

Tính đến nay đã có hơn 100 chi nhánh của Huawei đang bị cấm giao dịch với doanh nghiệp Mỹ.

Đến cuối tháng 9, Reuters đưa tin một ủy ban của Hạ viện Mỹ đã đề xuất chi 1 tỉ USD để các nhà cung cấp thiết bị không dây qui mô nhỏ và ở khu vực nông thôn thay thế thiết bị mạng của Huawei Technolgies và ZTE mà theo các nhà lập pháp là gây rủi ro về an ninh quốc gia.

Mặc dù bị cấm vận, Huawei tương đối kiên cường. Trong quí II/2019, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn là nhà cung ứng điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng Mate 30, sản phẩm không sử dụng ứng dụng của Google, được công bố vào cuối quí III. Các doanh nghiệp phân tích thị trường hiện chưa công bố số liệu chính thức cho sản phẩm này.

Yên Khê