Tại sao Việt Nam chỉ là 'bến đỗ' tạm thời trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
Ảnh: Shutterstock
Theo Footwear News, khi ngành sản xuất suy yếu và mối đe dọa về thuế quan tiếp tục "phủ bóng đen" lên Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia láng giềng gặt hái được nhiều lợi ích từ dòng chảy thương mại nhất.
Tuy nhiên, theo ông Mike Jeppesen, Chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của hãng giày Wolverine World Wide, diễn biến này có thể chỉ là tạm thời.
Vào hôm 23/7 tại New York, Hội nghị về nguồn cung và tính bền vững của Hiệp hội các nhà bán lẻ và phân phối giày dép Mỹ (FDRA) đã diễn ra.
Tại đây, ông Jeppesen đã ngồi lại cùng ông Matt Priest (Chủ tịch kiêm CEO của FDRA) để thảo luận về xu hướng tìm nguồn cung trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài.
Mặc dù lương nhân công tăng và tình trạng thiếu hụt lao động đã đẩy chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, ông Jeppesen lưu ý rằng vấn đề thiếu lao động lành nghề ở Việt Nam ngày càng trở thành rào cản đối với tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này.
"Việt Nam là bến đỗ tạm thời, tuy nhiên không bền vững vì công suất ở đây đã vượt quá mức tối đa", ông Jeppesen nói.
"Tại Việt Nam, doanh nghiệp không thực sự tìm thấy nhân công sẵn có, vì vậy nước này ắt phải lu mờ dần. Chúng ta sẽ thấy giá cả tăng lên mặc dù chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc".
Cho đến nay, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cảnh báo áp thuế bổ sung lên 300 tỉ USD hàng còn lại, trong đó bao gồm hàng may mặc và giày dép.
Chưa đầy hai tuần trước, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã công bố thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Theo báo cáo này, hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng 27,4% so với cùng kì năm ngoái.
Cũng theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2019, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 17,1 tỉ USD, trong khi cùng kì năm ngoái là 12,94 tỉ USD.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu giày lớn thứ hai sang nước này sau Trung Quốc, chiếm 18,7% lượng giày dép nhập khẩu năm 2018 của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là một phần nguồn cung của ngành giày dép trong 5 năm tới, đơn giản là vì có rất nhiều nhà cung ứng nguyên liệu thô ở Trung Quốc", ông Jeppesen nói thêm.
"Mặc dù cuộc chiến thương mại này có khiến Mỹ tăng thuế quan với Trung Quốc hay không, doanh nghiệp vẫn phải đa dạng hóa sản xuất. Bất kể đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, họ phải tìm cách thoát khỏi Trung Quốc và tìm nguồn cung khác".
Campuchia, Bangladesh, Indonesia và Philippines là những cái tên nằm trong số các quốc gia ông Jeppesen dự đoán sẽ tiếp nhận làn sóng doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, quá trình này được dự đoán là khá tốn kém và mất thời gian, vì hàng trăm công ty giày đang phải vật lộn để lập chiến lược mới nhằm tránh chi phí cao hơn.
Trong vài tháng qua, các doanh nghiệp thuộc ngành giày dép và may mặc đã cùng nỗ lực chống lại thuế quan mà Tổng thống Trump đe dọa cũng như đã áp dụng với Trung Quốc.
Thậm chí, họ còn làm chứng trước Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong phiên điều trần công khai kéo dài 7 ngày vào tháng trước.
"Chính quyền Tổng thống Trump đang bước đi trên lằn ranh mong manh giữa việc thực hiện một động thái ngắn hạn và có ảnh hưởng để tạo đòn bẩy cho đàm phán với kéo dài cuộc chiến vĩnh viễn và sau đó gây hại cho nền kinh tế Mỹ trước thềm bầu cử năm 2020", ông Priest cho hay.