Doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam vì vay vốn khó như 'lên trời'
Ảnh: AFP
Nghịch lí ở Trung Quốc: Bắc Kinh thúc đẩy, ngân hàng ngần ngại
Chiến dịch cung cấp vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc được kì vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế vào thời điểm suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỉ qua. Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng ngần ngại cho vay đã khiến nhà xuất khẩu và sản xuất ở vành đai công nghiệp phía nam nước này phải vật lộn để thanh toán chi phí, theo CNBC.
Bất chấp sự thúc đẩy từ Bắc Kinh, nhiều ngân hàng cho biết họ không muốn cho các công ty nhỏ vay vốn vì triển vọng kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nỗ lực thanh lọc rủi ro từ hệ thống tài chính của Chính phủ Trung Quốc khá bất ổn.
Điều đó đã ngăn cản dòng vốn đổ vào doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, làm suy yếu các biện pháp kích thích kinh tế (vốn được thiết kế để bù đắp tác động của nhu cầu tiêu dùng chững lại).
Doanh nghiệp nhỏ chuyển sản xuất sang Việt Nam vì vay vốn khó như "lên trời"
Tại thành phố Đông Quan thuộc tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, một số doanh nghiệp nhỏ đang chuyển sản xuất ra nước ngoài trước những thách thức về hoạt động và tài chính.
"Hiện nay, chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong các cuộc họp là liệu chúng tôi có nên chuyển đến Việt Nam. Rất nhiều trong số khách hàng của công ty đã di dời đến đó", ông Li Jiajun, CFO của công ty LiShun Yuan Intelligent Automation ở Quảng Đông, nói với Reuters.
Công ty LiShun, chuyên sản xuất máy đóng gói hộp giấy, đã bị cắt hỗ trợ tài chính từ hai trong số 4 ngân hàng trong quí II. Do đó tổng hạn mức tín dụng của công ty này đã giảm một nửa xuống còn 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD).
Một trong hai ngân hàng đó (có qui mô trung bình) cho rằng chính sách cho vay chặt chẽ hơn trước môi trường kinh tế nửa đầu năm 2019 là nguyên nhân khiến họ phải cắt hỗ trợ tài chính cho LiShun.
Trong khi đó, ngân hàng còn lại cho biết chi nhánh Quảng Đông của họ đã bị cấm phê duyệt các khoản vay mới vì nợ xấu tăng đột biến.
Do đó, LiShun, vốn dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 250 triệu nhân dân tệ trong năm nay, đang trì hoãn đơn hàng trị giá gần 20 triệu nhân dân tệ sau khi bị ngưng hỗ trợ vốn và thực hiện "các biện pháp phòng vệ", gồm cắt giảm 40% lương nhân viên và bán cổ phiếu để tăng vốn.
"Chính sách của chính phủ và việc thực hiện hiện chưa đồng bộ. Quá trình này không hề đơn giản, ít nhất là cho đến giờ công ty chúng tôi vẫn chưa nhận được lợi ích gì", ông Li đề cập đến nỗ lực tăng cường cho vay của Trung Quốc.
Doanh nghiệp nhà nước hút phần lớn vốn vay, công ty tư nhân nhỏ lẻ chịu thiệt
Ở Trung Quốc, công ty nhà nước từ lâu đã hút phần lớn vốn vay doanh nghiệp từ các ngân hàng do chính phủ kiểm soát, buộc các công ty nhỏ hơn trên cả nước phải phụ thuộc vào hệ thống tài chính ngầm.
Tuy nhiên, các ngân hàng nằm trong hệ thống tài chính ngầm cũng đã bị siết chặt trong cuộc trấn áp rủi ro tài chính.
"Chúng tôi hiện đã ổn định hơn so với trước đây, nhưng không phải nhờ phục vụ nhu cầu vay vốn của các công ty nhỏ", ông Bao Jiehan, Phó Chủ tịch chi nhánh Đông Quan của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (ngân hàng lớn thứ hai nước này), nhận định.
Đăng kí nhận hỗ trợ tài chính là điều đặc biệt khó khăn đối với các nhà xuất khẩu, hiện đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, vì nhiều ngân hàng đang thắt chặt hệ thống giám sát và áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn.
Bà Chen Xiuxia, Chủ tịch của Choice International (có trụ sở ở Quảng Châu), cho biết ngân hàng đã giảm một nửa hạn mức tín dụng của công ty xuống còn 30 triệu nhân dân tệ kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi hạn chế rủi ro tài chính năm 2017.
Choice International là công ty chuyên xuất khẩu máy điều hòa và xe ô tô đến châu Phi và đang kì vọng ghi nhận doanh thu 100 triệu USD trong năm nay.
Nỗ lực để đảm bảo vốn vay cho công ty của bà Chen đã không thành công, khi mà các ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp có giá trị và nhiều công ty cho vay phi ngân hàng đóng cửa.
"Chính sách tháo dỡ đòn bẩy kinh tế nhằm vào hệ thống tài chính, nhưng các doanh nghiệp như chúng tôi lại bị ảnh hưởng do phản ứng dây chuyền", bà Chen nói.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang kêu gọi 5 ngân hàng nhà nước nằm trong nhóm Big Five để đi đầu trong nỗ lực cho vay. Dư nợ của các doanh nghiệp nhỏ đã tăng 21% so với cùng kì năm ngoái lên 10,3 nghìn tỉ nhân dân tệ hồi cuối tháng 5, chủ yếu do nhóm này thúc đẩy.
Đồng thời, mong muốn vay vốn ngân hàng của một số công ty nhỏ đã giảm đi khi triển vọng kinh tế không mấy khả quan.
Nhà sản xuất robot công nghiệp Songqing Intelligent Technology (Quảng Đông) đã cắt giảm mục tiêu doanh số trong năm nay vì khách hàng trì hoãn đơn đặt hàng để quan sát tình hình.
Chủ tịch Xiao Yongxiang của Songqing cho biết ông muốn kiếm 20 triệu nhân dân tệ bằng cách bán cổ phiếu để trả lại ngân hàng một nửa khoản vay và giảm bớt áp lực từ khoản lãi 120.000 nhân dân tệ mỗi tháng.