|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Bấp bênh' theo thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam vẫn có thể 'hấp thụ' những bất ổn của kinh tế toàn cầu

14:25 | 23/07/2019
Chia sẻ
Theo mục tiêu kinh tế xã hội năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước là 6,6 - 6,8%, lạm phát được dự báo ở dưới mức 4%... Tuy nhiên, đứng trước sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ đối mặt không ít thách thức.

Xuất khẩu Việt Nam chịu "cú sốc" từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Tại hội thảo "Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019" diễn ra ngày 22/7 tại TP HCM, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP HCM, cho biết 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,76%, thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kì các năm trong giai đoạn 2011 - 2017.

Nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng và chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu, kể cả Việt Nam.

"Hoạt động xuất khẩu Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3%, thấp hơn rất nhiều so với con số 17,8% đạt được trong 6 tháng 2018. 

Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD trong khi một năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỉ USD", ông Trung cho biết.

Cũng theo ông Trung, cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài. Đơn cử như việc các doanh nghiệp FDI chiếm 70% giá trị xuất khẩu đã được nói đến nhiều năm nay.

Sau 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 10,8% không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực FDI chỉ tăng 5,9%.

Ngoài ra, thặng dư thương mại từ khu vực FDI đã đóng vai trò quan trọng để bù đắp thâm hụt thương mại từ khu vực kinh tế trong nước trong nhiều năm qua.

789dbe686f9b8bc5d28a

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Về dự trữ ngoại hối, tính đến cuối tháng 6/2019 tại Việt Nam đã tăng lên mức kỉ lục 68 tỉ USD.

"Các dòng vốn FDI vào hàng năm là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng trong tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tạo kỉ lục mới ở mức 68 tỉ USD vào cuối tháng 6 vừa qua", ông Trung nhận định.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, lượng dự trữ ngoại hối này tương đương 13,4 tuần nhập khẩu ước tính năm 2019, đạt đỉnh mới nhưng không gây áp lực lạm phát. 

Bởi dự trữ ngoại hối tăng mạnh nhưng tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn được kiểm soát cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện can thiệp trung hòa phù hợp.

"So với cuối tháng 12/2018, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng chỉ ở mức 6,54% và 7,33%. Do đó áp lực lạm phát đã không xuất hiện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô",  Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP HCM thông tin.

Kịch bản kinh tế nửa cuối năm 2019 tiếp tục bất ổn

"Từ giờ đến cuối năm sẽ có rất nhiều bất ổn, bấp bênh nhưng nếu điều hành tốt thì chúng ta sẽ có cơ hội 'hấp thụ' những bất ổn đó, vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ dư địa phát triển", PGS.TS Nguyễn Đức Trung nhận định.

Đồng quan điểm, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, nửa cuối năm 2019, những ngành sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến - chế tạo vẫn có nhiều cơ hội phát triển. 

Trong bối cảnh chung của lạm phát toàn cầu giảm, đi cùng với việc giảm giá dầu là điều kiện thuận lợi trong việc bình ổn giá cả trong nước nói chung, và giá nguyên liệu nói riêng.

Theo mục tiêu kinh tế xã hội năm 2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước sẽ tăng 6,6% - 6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng tăng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%-8%...

Nguồn: Nhóm nghiên cứu của Đại học Ngân hàng TP HCM.

"Trong 6 tháng cuối năm, lạm phát Việt Nam được kì vọng giảm như xu hướng chung của thế giới và điều này giúp Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% cho cả năm như đã đề ra", báo cáo của các chuyên gia đến từ ĐH Ngân hàng TP HCM nêu rõ.

Đồng thời, các FTA Việt Nam đã kí kết sẽ sớm có hiệu lực trong thời gian tới như CPTPP và EVFTA tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tăng trưởng.

Nghiên cứu cứu Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4 - 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ổn định do căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục được kì vọng dẫn đầu trong thu hút vốn FDI như ngành này đã thực hiện được trong 6 tháng đầu năm 2019. 

Các quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống chiếm tỉ trọng FDI cao vẫn sẽ thuộc khu vực châu Á như Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…

354dcebe1f4dfb13a25c

Các diễn giả tại tọa đàm: "Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019". Ảnh: Như Huỳnh.

Rào cản cho tăng trưởng

Tuy nhiên, diễn biến khó đoán của chiến tranh thương mại và những ảnh hưởng tiềm tàng sẽ dễ dẫn đến tâm lý e ngại đối với các quyết định tiêu dùng và đầu tư cả trong và ngoài nước.

Khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ khó có thể tăng trưởng trong ngắn hạn, còn khu vực nông - lâm - thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết và dịch bệnh.

"Lạm phát dù được kiếm soát khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2019 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp trong 6 tháng tới. 

Điều này xuất phát từ những lo ngại về sự phục hổi của giá xăng và thịt heo trong khi giá mặt hàng nhà nước quản lí vẫn trong lộ trình tăng", PGS.TS Nguyễn Đức Trung nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, đối với một nền kinh tế mở nhỏ như Việt Nam, việc thu hút được nguồn lực nước ngoài cho quá trình phát triển là hết sức quan trọng. 

Tuy nhiên, vấn đề này cần được giải quyết hài hoà với vai trò cần thiết của khu vực kinh tế nước ngoài trong nền kinh tế. 

Khu vực này chỉ nên là yếu tố thêm vào cho nguồn lực tăng trưởng cũng như sự ổn định của nền kinh tế mà không nên giữ vị trí quyết định. 

Những vị trí quan trọng của khu vực FDI trong hoạt động kinh tế ở nhiều khía cạnh tạo ra những thách thức cho sự phát triển bền vững.

Còn theo TS. Phạm Phú Quốc, Viện phó Viện Nghiên cứu & Phát triển TP HCM, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô toàn cầu đang có nhiều bấp bênh, Việt Nam cũng phải chịu không ít ảnh hưởng. 

Do đó, để có thể đối mặt với những thách thức, hướng đến xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững thì nước ta cần phải quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề.

Trong đó, vấn đề đầu tiên là cải cách thủ tục hành chính, tiếp theo là biến đổi khí hậu, vấn đề tai nạn giao thông, già hóa dân số cao và vấn đề nguồn ngân sách thu về cứ bội chi cũng là một điều rất đáng lo ngại.

"Nếu không giải quyết được những vấn này thì khó hoàn thành nhiệm vụ để nền kinh tế phát triển hơn", TS.Phạm Phú Quốc chia sẻ.

Như Huỳnh

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.