|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao thị trường Mỹ lại hấp dẫn VinFast hơn so với nước láng giềng Trung Quốc?

07:00 | 07/10/2022
Chia sẻ
Thị trường Trung Quốc không phải là điểm đến hấp dẫn với các startup như VinFast, dù quốc gia tỷ dân dẫn đầu thế giới về doanh số xe điện.

Theo dữ liệu từ S&P Global Mobility do tờ Axios phân tích, những người sở hữu ô tô ở Mỹ đang có xu hướng chọn xe điện nhiều hơn, thay vì xe động cơ đốt trong truyền thống. Trong khoảng thời gian từ quý II/2021 đến năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình sở hữu và mua xe điện (EV) đã tăng từ 48% lên 65,3%, dữ liệu đăng ký xe của Mỹ cho thấy.

Tesla là thương hiệu nổi tiếng nhất trong làng sản xuất xe điện và là công ty dẫn đầu lĩnh vực này. Theo dữ liệu từ S&P Global Mobility, hơn một nửa số đăng ký xe điện trong tháng 7 đến từ hai dòng xe Tesla Model Y và Tesla Model 3. Hơn 90% người đã sở hữu Tesla vẫn tiếp tục tin tưởng hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk một lần nữa khi họ mua một chiếc EV khác.

Tom Libby, phó giám đốc phân tích ngành tại S&P Global Mobility nhận định đây là một dấu hiệu tích cực về tương lai của xe điện. Theo báo cáo của Axios, xu hướng chuyển đổi sang xe điện ở Mỹ đang ngày càng bắt kịp hai thị trường lớn là Trung Quốc và châu Âu.

 YouTuber SuperCar Blondie bên cạnh xe điện VF e36 của VinFast. (Ảnh: SuperCar Blondie).

Và các nhà sản xuất ô tô đang tập trung ra mắt nhiều mẫu EV hơn, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ sớm có nhiều lựa chọn hơn. S&P Global Mobility nhận thấy rằng số lượng các mẫu xe điện có sẵn tại Mỹ đã tăng từ 27 lên 45 trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến năm 2022. Đến năm 2025, S&P Global Mobility dự kiến ​​số lượng các mẫu ô tô điện sẽ đạt gần 150 mẫu. 

Ngoài các nhà sản xuất nội địa đang chuyển mình với xu hướng điện hóa, hồi cuối năm ngoái, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam - VinFast đã có màn ra mắt tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 với hai mẫu EV là VF e35 và VF e36.

Trả lời phỏng vấn đài CNN sau màn debut này, cựu CEO toàn cầu của VinFast, ông Michael Lohscheller cho biết VinFast đặt trọng tâm ở thị trường Mỹ, thay vì Trung Quốc và nhà sản xuất xe điện Việt Nam muốn cạnh tranh với các nhà sản xuất khác ở xứ sở cờ hoa.

"Đây là thời điểm phù hợp vì ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi. Chúng tôi cảm thấy đây là thời điểm hoàn hảo để đem tới những chiếc xe điện để cạnh tranh. Chúng tôi cũng muốn đưa VinFast trở thành thương hiệu xe điện quốc tế. Vì thế, chúng tôi ở đây (Los Angeles) hôm nay, nhưng chúng tôi cũng sẽ đến châu Âu", cựu CEO VinFast từng chia sẻ.

Việc VinFast coi trọng thị trường Mỹ có thể đến từ sự cởi mở của chính phủ Mỹ với ngành công nghiệp xe điện. Đạo luật Inflation Reduction Act (giảm lạm phát) của Tổng thống Joe Biden cho phép người dân chỉ cần bỏ khoảng 4.000 USD để mua một chiếc xe điện đã qua sử dụng.

Và điều kiện để xe điện được hưởng ưu đãi này là phải được sản xuất hoặc lắp ráp tại Mỹ. Do đó, VinFast đã thúc đẩy đầu tư vào bang North Carolina với dự án nhà máy sản xuất pin và xe điện có tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD.

Thị trường Trung Quốc chưa bao giờ là dễ dàng

Là thị trường dẫn đầu trong hoạt động tiêu thụ xe điện, song Trung Quốc chưa bao giờ là điểm đến hấp dẫn với các nhà sản xuất xe hơi lớn, chưa tính đến startup như VinFast.

Năm 1994, Chính phủ Trung Quốc đã giới hạn 50% phần sở hữu đối với doanh nghiệp nước ngoài vào quốc gia này sau khi nguồn vốn đầu tư quốc tế tăng đột biến. Do đó, các nhà sản xuất xe hơi muốn đến quốc gia tỷ dân phải thành lập liên doanh với nhà sản xuất nội địa. Đây có thể xem là một trong những trở ngại khiến Trung Quốc không hấp dẫn với VinFast.

Luật Đầu tư Nước ngoài mới hồi năm 2020 cùng với động thái gỡ bỏ giới hạn sở hữu đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô của chính quyền Trung Quốc vào đầu năm 2022, đã cho phép các nhà đầu tư quốc tế thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới khi là thị trường xe điện lớn nhất và phát triển nhanh nhất. Theo dữ liệu từ Canalys, 2,4 triệu xe điện đã được giao cho khách hàng ở Trung Quốc đại lục trong nửa đầu năm 2022, tương đương 26% tổng doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc.

 Gigafactory của Tesla tại Thượng Hải. (Ảnh: Global Times).

Trong nửa đầu năm 2021, ô tô điện chỉ chiếm 10% doanh số bán ô tô của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc nhu cầu tăng gấp đôi chỉ trong một năm. "Doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đại lục tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2022 và hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường xe điện lớn nhất. 57% doanh số bán xe điện toàn cầu là ở Trung Quốc đại lục. Với mức tăng trưởng 118% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức nhanh nhất", Jason Low, Nhà phân tích chính của Canalys cho biết. 

Những số liệu cho thấy tại Trung Quốc, ngoài Tesla (14%), những cái tên khác đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần xe điện Trung Quốc đều là những công ty liên doanh hoặc thuần Trung Quốc như BYD (15%); SAIC Motor (9%); Volkswagen Group (9%); Geely (6%) và 47% còn lại dành cho những cái tên khác. Điều này chứng tỏ ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang có sự cạnh tranh lớn giữa cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp liên doanh và nhà sản xuất thuần 100% vốn đầu tư nước ngoài. 

Mỹ chỉ chiếm 10% thị trường xe điện toàn cầu với 413.000 xe được bán ra trong nửa đầu năm 2022. Nhưng, ở lĩnh vực xe điện, Mỹ đã tăng trưởng 62% so với cùng kỳ năm trước và với nhu cầu xe điện ngày càng tăng, thị trường Mỹ cần có thêm nhiều nhà sản xuất xe điện tham gia vào thị trường. 

Châu Âu với 1,1 triệu chiếc EV được giao trong nửa đầu năm 2022, chiếm 20% doanh số bán xe của họ. Lục địa Già chiếm 27% doanh số toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 và đây cũng là thị trường ưu tiên của VinFast.

Châu Âu hấp dẫn các nhà sản xuất xe điện bởi những ưu đãi về thuế phí trong chính sách chuyển đổi sang điện khí hóa, hỗ trợ nâng cấp hạ tầng. Đây được xem là nỗ lực giảm khí thải của các quốc gia châu Âu cũng như tránh bị lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ bên ngoài.

Thùy Trang