|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tài khoản Twitter nặc danh giúp đưa câu chuyện của ‘cha đẻ’ LUNA ra ánh sáng

07:40 | 10/10/2022
Chia sẻ
Bản thân là một nạn nhân sau cú sụp đổ của Terra và Luna, FatManTerra trở thành một nguồn đáng tin cậy đưa nhiều câu chuyện về vụ việc này ra ánh sáng.

 Do Kwon, người sáng lập Terra. (Ảnh: Bloomberg). 

Thế giới tiền mã hoá rúng động hồi tháng 5 khi stablecoin Terra và đồng tiền “chị em” Luna gần như sụp đổ về 0 và cuốn theo 50 tỷ USD giá trị thị trường. Thời điểm này, một tài khoản Twitter có tên FatManTerra xuất hiện và liên tục chia sẻ về những câu chuyện sai trái liên quan đến Terra và người sáng lập Do Kwon.

FatManTerra là ai?

Fortune liên hệ với FatManTerra thông qua tính năng nhắn tin trên Twitter để mời anh chia sẻ về quá trình điều tra Terra. Sau một vài tin nhắn, FatManTerra đồng ý chia sẻ với Fortune qua Zoom với điều kiện tắt camera.

Trong cuộc phỏng vấn, FatManTerra mô tả bản thân là một “người thuộc tầng lớp trung lưu bình thường” trong độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi. Anh sống ơ Anh và đang làm việc trong ngành công nghiệp mã hoá. Anh cho biết nơi làm việc hiện tại của anh biết đến tài khoản FatManTerra và thậm chí còn cho phép anh làm việc ít thời gian hơn để dành thời gian cho nó.

FatManTerra cho biết anh từng đầu tư mạnh vào hệ sinh thái Terra và mất 30% đến 40% số tiền tiết kiệm cả đời sau vụ sụp đổ. Kể từ khi lập tài khảon FatManTerra, khoản thanh toán duy nhất mà anh nhận được là voucher giao đồ ăn 60 Bảng Anh mà sau đó anh dùng để mua bánh pizza dứa và sushi.

“Ai đó muốn tặng tôi tiền mà thường thì tôi không nhận. Họ khăng khăng muốn làm điều này nên tôi nói họ có thể tặng tôi thẻ quà tặng Deliveroo… vì tôi thích đồ ăn”, FatManTerra giải thích.

Tình yêu đồ ăn chính là thứ đã tạo cảm hứng cho tên gọi Twitter của anh.

“Tôi nghĩ ra một cái tên mà bạn bè tôi có thể cười nhạo. “FatMan” vì tôi là một người rất béo, đúng không?”, anh nói với Fortune. “Một số người ngạc nhiên vì tôi nặng tới 150 kg”, anh chia sẻ thêm.

Câu chuyện ban đầu

FatManTerra dùng tên gọi này lần đầu tiên trên một diễn đàn Terra có tên Agora để đề xuất một cách cải tiến mạng blockchain Terra. Đề xuất của anh bắt đầu thu hút được sự chú ý nên cuối cùng anh đã tạo một tài khoản Twitter với cái tên tương tự.

Trong một khoảng thời gian, FatManTerra chia sẻ các quan điểm của mình về Terra, chủ yếu để chỉ trích Kwon. Nhiều người bắt đầu tiếp cận FatManTerra khi anh bắt đầu có một số lượng nhỏ người theo dõi trên Twitter. FatManTerra giữ phần lớn các câu chuyện mà anh được chia sẻ cho riêng mình cho tới khi một nhân viên từ công ty giao dịch Jump Crypto tìm đến FatManTerra và chia sẻ những cái buộc có tính “bùng nổ”.

Người này khẳng định Jump Crypto đã “cứu” Terra vào tháng 5/2021 để vực dậy mô hình kinh doanh đang dần sụp đổ của nó. Mô hình kinh doanh của Terra chủ yếu dựa vào những mánh khoé kĩ thuật tài chính thay vì một kho tài sản để “chống lưng” cho đồng stablecoin mà nó phát hành. FatManTerra chia sẻ cáo buộc và nói rằng đây “có thể là cú lừa đảo tiền mã hoá lớn nhất lịch sử”.

Chia sẻ của FatManTerra được đón nhận. Số lượng người theo dõi anh tăng từ 14.000 lên 56.000 chỉ sau 1 tuần. FatManTerra cũng dần xây dựng hình ảnh rằng anh rất đáng tin cậy để nhận những “bí mật động trời” về Terra.

Thời gian sau đó, FatManTerra còn chia sẻ thêm nhiều câu chuyện khác về Terra, bao gồm của việc Kwon đã âm thầm rút 3,9 tỷ USD giá trị stablecoin trước khi nó sụp đổ.

“Một gã bình thường trong phòng của anh ta”

FatManTerra bắt đầu nhận được tới 5 tin nhắn mỗi ngày từ những người tố cáo Terra. Những người này đều muốn ẩn danh.

“Tôi cho rằng mọi người tìm đến tôi vì họ biết là tôi chỉ là một người không có ai “chống lưng” và cũng không đến từ trang thông tin nào”, FatManTerra nói với Fortune. “Tôi không có biên tập viên nào để trao đổi, tôi không nhận tài trợ từ sàn giao dịch nào, tôi chỉ là một gã bình thường trong phòng của anh ta”.

Với báo chí, phần lớn các nhà báo đều có các nguyên tắc xác định thông tin theo tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, với một tài khoản Twitter ẩn danh, đây lại không phải một vấn đề lớn.

“Vào những ngày đầu tiên, tôi chỉ đơn giản là làm nó. Nếu một người nhắn tin với tôi, tôi sẽ xem LinkedIn để đảm bảo tính xác thực. Những câu chuyện đều rất chi tiết, chính xác và khớp với những gì tôi đã biết”, FatManTerra nói. “Thế nhưng, dần dần, tôi có một quy trình kiểm tra riêng. Nếu bạn kể với tôi điều gì đó điên rồ, cá nhân tôi sẽ phải tin nó và kiểm tra chéo với 2 – 3 nguồn khác”.

Sau vài tuần, FatManTerra nhận ra việc duy trì tài khoản Twitter của anh là một nghĩa vụ mang tính đạo đức chứ không chỉ còn là câu chuyện bản thân anh cũng bị mất tiền.

“Ở thế giới tiền mã hoá, chúng ta rao giảng về minh bạch nhưng nhiều công ty lại khá mù mờ. Việc nhân viên từ những công ty này đến để chia sẻ các hành vi sai trái là rất quan trọng”, anh nói. “Nhiều cựu nhân viên sợ cuộc sống bị ảnh hưởng nếu chia sẻ thông tin công khai”, FatManTerra chia sẻ thêm.

Ở thời điểm FatManTerra đạt đỉnh cao của sự phổ biến, FatManTerra nói rằng anh bắt đầu cảm thấy bị hoang tưởng. Anh không ra khỏi nhà suốt 3 - 4 tuần vì sợ bị trả thù. FatManTerra dần nhận ra nỗi sợ của anh không có căn cứ nhưng anh cũng không muốn duy trì tài khoản FatManTerra mãi mãi.

Anh chia sẻ rằng khi Do Kwon được đưa ra công ty, anh sẽ chia sẻ ít hơn và tập trung cuộc cuộc sống. “Tôi cần trở về thế giới thực”, FatManTerra nhấn mạnh.

“Tôi cố gắng chia sẻ nhiều bằng chứng nhất có thể”, FatManTerra chia sẻ về các cuộc điều tra liên quan đến Do Kwon của giới chức. “Tôi là nguyên đơn trong một số vụ kiện và họ cần tên thật của tôi. Tôi thường hoà vào đám đông”, anh chia sẻ.

Nam Khánh